22:02, 31/07/2024

Hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn

VĂN GIANG

Nhằm nâng cao chất lượng lao động khu vực nông thôn, giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 2.460 lao động nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng lao động nông thôn

Những năm qua, toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương. Để đảm bảo công tác đào tạo nghề có hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các địa phương tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; lựa chọn những ngành nghề sát với điều kiện, thế mạnh của địa phương để đào tạo. Với cách làm này, việc dạy nghề từng bước gắn sát với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của mỗi địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng dạy nghề và hiệu quả việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo.

Dạy nghề may công nghiệp cho lao động tại TP. Cam Ranh.
Dạy nghề may công nghiệp cho lao động tại TP. Cam Ranh.

Qua thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện tuyển sinh đào tạo nghề trình độ sơ cấp và thường xuyên cho 24.625 người; 6 tháng đầu năm 2024, đào tạo cho 15.502 người. Số người sau đào tạo tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm đạt khoảng 80%. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến nay đạt 83,5%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 29,9%.

Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mục tiêu phát triển tỉnh đến năm 2030 là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao… Để thực hiện mục tiêu trên và từng bước nâng cao chất lượng lực lượng lao động khu vực nông thôn, sở đã ban hành kế hoạch thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn giai đoạn 2024 - 2025. Qua đó, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số; tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững; giúp các địa phương đạt tiêu chí 12 về lao động trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2025, toàn tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 2.460 lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2025 đạt 85%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 31%.

Hỗ trợ đào tạo theo nhu cầu

Việc đào tạo được dựa trên nhu cầu của người học, thị trường lao động và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương để xác định ngành, nghề, trình độ và quy mô đào tạo phù hợp. Qua khảo sát, đa số người lao động đều chọn học các ngành nghề gồm: Nghiệp vụ bếp, pha chế đồ uống, làm bánh, may, bóc tách hạt điều, xây dựng, xoa bóp ấn huyệt, nghệ thuật cắm hoa. Toàn bộ chi phí hỗ trợ đào tạo được thực hiện theo Thông tư số 152, ngày 17-10-2016 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng với mức từ 2 đến 6 triệu đồng/người/khóa học (tùy theo đối tượng áp dụng). Bên cạnh đó, người học nghề còn được hỗ trợ tiền ăn với mức 30.000 đồng/người/ngày và chi phí đi lại trong thời gian học nghề từ 200.000 đồng đến 300.0000 đồng/người/khóa học (tùy theo đối tượng và khoảng cách từ nơi ở đến nơi học). Qua tính toán sơ bộ, tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 2.460 lao động nông thôn hơn 4,8 tỷ đồng.

Ông Văn Đình Tri cho biết, để công tác đào tạo nghề đạt kết quả cao, thời gian tới, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; tư vấn học nghề và việc làm cho lao động nông thôn; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn từ nguồn kinh phí của các chương trình, dự án trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nghệ nhân, người dạy nghề có tay nghề cao tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; phát triển chương trình, giáo trình đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn; khảo sát nhu cầu học nghề; xây dựng kế hoạch đào tạo; rà soát danh mục ngành đào tạo và tổ chức các lớp đào tạo nghề theo quy định; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện đào tạo theo đơn đặt hàng; kết nối việc làm cho người lao động sau đào tạo.

VĂN GIANG