Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đang chủ động triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, rà soát, một số công trình xuất hiện hư hỏng nhỏ cần sớm khắc phục, sửa chữa trước mùa mưa lũ năm nay.
Các công trình thủy lợi đảm bảo an toàn
Từ ngày 10 đến 18-7, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã kiểm tra thực địa tại một số công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh và làm việc với Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) liên quan đến công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và triển khai công tác chủ động ứng phó phòng, chống thiên tai năm 2024. Cụ thể là kiểm tra thực địa tại các hồ: Hoa Sơn, Đá Đen, Suối Luồng (huyện Vạn Ninh); Đá Bàn, Tiên Du, Suối Trầu (thị xã Ninh Hòa); Đắc Lộc, Đồng Bò (TP. Nha Trang); Suối Hành (TP. Cam Ranh) và Suối Dầu, Cam Ranh (huyện Cam Lâm). Kiểm tra tại các hồ, đập, đoàn công tác của Sở NN-PTNT đã cho vận hành các cửa van điều tiết tràn, kiểm tra thân đập, một số công trình phụ trợ cũng như các trang thiết bị phục vụ cho công tác ứng phó phòng, chống thiên tai tại các hồ.
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tại hồ chứa nước Suối Dầu. |
Theo báo cáo của Công ty Thủy lợi Khánh Hòa, qua kiểm tra hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước, toàn bộ 19 hồ chứa do công ty quản lý đều có kết quả đánh giá an toàn mức A. Tuy nhiên, hiện nay, một số hạng mục xuất hiện hư hỏng nhỏ, như đập của các hồ: Suối Dầu, Am Chúa, Đồng Bò và Cam Ranh bị thấm nhẹ. Tràn xả lũ các hồ: Hoa Sơn, Cam Ranh bị sụp lún cục bộ vài vị trí mái đá bảo vệ bể tiêu năng; tràn xả lũ hồ Suối Sim bị sụp lún một phần thân của bậc tiêu năng số 3. Ngoài ra, cửa tràn các hồ: Hoa Sơn, Đá Bàn, Cam Ranh bị hỏng ron cao su các cửa van dẫn đến rò rỉ nước khi đóng tràn; một số cống lấy nước bị hư hỏng, xuống cấp cần được gia cố, sửa chữa.
Theo ông Nguyễn Thái Hùng - Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa, đối với các công trình thủy lợi được thi công, sửa chữa, nâng cấp trong năm 2024, việc đảm bảo an toàn thi công, an toàn công trình đã được lên phương án chi tiết. Theo đó, hồ chứa nước Am Chúa đang được sửa chữa, nâng cấp; các công trình đang tổ chức lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công trong năm 2024, như: Kênh và công trình trên kênh chính nam - hồ chứa nước Suối Dầu; Đập dâng Gò Mè; Kênh và công trình trên kênh chính bắc - đập dâng sông Cái... Đối với các công trình này, đơn vị thi công đã xây dựng phương án thi công đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ, phối hợp chặt chẽ với công ty trong quá trình triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho công trình, con người và thiết bị, tài sản. Ngoài ra, hàng năm, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát, lập và triển khai phương án ứng phó với thiên tai cho các hồ chứa nước theo quy định. Đối với phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, trong 19 hồ chứa nước do công ty quản lý, đến nay đã xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho 7 hồ. Đối với các hồ chứa nước còn lại, sau khi được cơ quan thẩm quyền lập và phê duyệt bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du, công ty sẽ xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định.
Cần sớm sửa chữa các hư hỏng
Ngày 17-7, ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở NN-PTNT chủ trì buổi làm việc với Công ty Thủy lợi Khánh Hòa về công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, chủ động ứng phó với mưa lũ năm 2024. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cho biết, để thực hiện các nội dung bảo đảm an toàn công trình đập, hồ chứa nước, công ty đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cân đối bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ công ty trong việc thực hiện các nội dung này, như: Kiểm định an toàn đập cho các hồ chứa đã đến thời hạn kiểm định; tổ chức cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình cho các hồ chứa chưa được cắm mốc; lập và điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa nước cho các hồ chứa chưa được lập hoặc các hồ chứa đã đến thời hạn điều chỉnh; lập quy trình bảo trì cho các hệ thống công trình thủy lợi; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du của các hồ chứa; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa nước cho các hồ chứa… Đối với các hư hỏng nhỏ, ngoài chủ động gia cố, sửa chữa, công ty mong muốn cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ kinh phí vì khung giá dịch vụ thủy lợi được xây dựng từ năm 2012 đến nay chưa thay đổi, dẫn tới nguồn thu hạn chế, không đủ đáp ứng kinh phí sửa chữa toàn bộ.
Vận hành van xả điều tiết nước hồ chứa nước Suối Dầu. |
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Quang đề nghị Công ty Thủy lợi Khánh Hòa tập trung kiểm tra, rà soát, kịp thời khắc phục ngay các vị trí có khả năng xuất hiện mối xâm hại phá hoại đập đất gây mất an toàn công trình; tổ chức vận hành, kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống camera giám sát vận hành tại các hồ chứa nước vừa được lắp đặt, bàn giao để phục vụ tốt trong mùa mưa lũ năm nay đạt hiệu quả cao nhất; rà soát lại toàn bộ nội dung phương án ứng phó thiên tai để bổ sung, hoàn thiện; chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật liệu, phương tiện, trang thiết bị dự phòng cần thiết để sẵn sàng xử lý ngay trong giờ đầu tiên nếu có sự cố mất an toàn hồ đập xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Lãnh đạo Sở NN-PTNT cũng đề nghị công ty chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, thống kê các vị trí, khu vực, phạm vi vùng hạ du của các hồ chứa nước khi điều tiết lũ bị ảnh hưởng (giao cắt) với các công trình đường bộ cao tốc để kịp thời có phương án thoát lũ đảm bảo an toàn; đồng thời theo dõi, đánh giá, căn cứ tình hình thực tế để chủ động có giải pháp điều tiết lũ các hồ, đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ trong tình hình thời tiết mưa lũ năm nay. Đối với các đề xuất của công ty, Sở NN-PTNT sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Công ty Thủy lợi Khánh Hòa được tỉnh giao quản lý, khai thác 19 hồ chứa nước, có tổng dung tích hơn 213 triệu m3; 32 đập dâng trên sông, suối; hơn 460km kênh mương và công trình trên kênh; 3 trạm bơm. Hệ thống này hàng năm cấp nước cho sinh hoạt và các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… Trong đó, cấp nước thô sinh hoạt khoảng 22 triệu m3/năm, cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp khoảng 32.000ha/năm.
HỒNG ĐĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin