UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh năm 2024. Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết:
- Kế hoạch phấn đấu có ít nhất 95% công chức, viên chức làm chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn trình độ theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức và vị trí việc làm được phê duyệt; ít nhất 98% công chức, viên chức được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý có trình độ lý luận chính trị tương ứng với chức danh được quy hoạch; từ 95% cán bộ, công chức cấp xã được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý có trình độ lý luận chính trị tương ứng với chức danh được quy hoạch. Đến hết năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 84%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Toàn tỉnh tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sử dụng của đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực thế mạnh như: Phát triển kinh tế biển; các nhóm ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; nhân lực chất lượng cao cho 3 vùng động lực của tỉnh.
Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ |
- Để đạt mục tiêu trên, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Hiện nay, Sở Nội vụ đã hoàn thiện Danh mục ngành nghề cần đào tạo sau đại học, đào tạo chuyên sâu tại các cơ quan, địa phương thuộc tỉnh đến năm 2030; Danh mục ngành nghề thu hút tại tỉnh đến năm 2030 và xây dựng tiêu chí xác định ngành trọng điểm của tỉnh. Sở cũng phối hợp triển khai Đề án thí điểm định lượng hóa công việc, xác định và phân giao công việc theo vị trí việc làm; tiếp tục thực hiện Nghị định số 140 ngày 5-12-2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Các sở, ngành cũng tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành một số nghị quyết về chế độ, chính sách hỗ trợ công tác đào tạo ngành nghề trọng điểm, mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2024 - 2030; hỗ trợ học phí, kinh phí ăn, ở cho học sinh theo học các ngành nghề trên; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên tham gia các khóa đào tạo thuộc danh mục ngành, nghề trọng điểm, mục tiêu của tỉnh; chính sách nâng chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; thu hút, hỗ trợ, ưu đãi ngành Y tế. Trong tháng 5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp du lịch; chủ trì Đề án giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sau khi có văn bản của Trung ương, Sở Tài chính xây dựng chính sách thu hút nhà quản lý, nhà khoa học trình độ cao, các doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề cao trong tỉnh tham gia đào tạo nhân lực; thu hút, khuyến khích nhân tài ở tỉnh khác về Khánh Hòa làm việc. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện Đề án quản lý, sử dụng và phát triển nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; vận hành, duy trì phần mềm quản lý nguồn nhân lực khoa học và công nghệ...
- Còn về công tác đào tạo, bồi dưỡng, thưa ông?
- Tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo thạc sĩ theo đơn đặt hàng với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (chuyên ngành Quản lý công, Quản lý đô thị thông minh và sáng tạo) và một số chuyên ngành trọng điểm khác cho cán bộ, công chức, viên chức, ưu tiên lãnh đạo từ cấp phòng và tương đương hoặc được quy hoạch lãnh đạo cấp phòng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu tổ chức các lớp đào tạo sau đại học cho cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý, tham mưu của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể.
Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn khách hàng. |
Tỉnh cũng tiếp tục tổ chức 16 lớp trung cấp lý luận chính trị, 3 lớp cao cấp lý luận chính trị; các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp sở và tương đương, cấp huyện theo đúng đối tượng; các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính; mở lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp, tổng cộng khoảng 370 người. Việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số do Ban Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2020 - 2025; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập năm 2024, 2025. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Các lớp bồi dưỡng theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, ngành, lĩnh vực do các sở, ngành, địa phương thực hiện; trong đó có bồi dưỡng, nâng cao năng lực trong một số nhóm ngành, lĩnh vực: Giáo dục nghề nghiệp; an toàn thông tin mạng; đối ngoại; thanh tra; lưu trữ điện tử; cơ khí; kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; logistic; xây dựng; nông, lâm, thủy sản; du lịch; công nghiệp; phi nông nghiệp…
- Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VŨ (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin