00:29, 19/06/2024

Chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh lần thứ IV 
Khánh Vĩnh: Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

VĨNH THÀNH

Nhờ thực hiện tốt các chính sách, kết hợp triển khai đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, bộ mặt nông thôn của huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều đổi thay tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn huyện.

Đường liên thôn tại xã Liên Sang vừa được đầu tư bê tông hóa. Ảnh: Thế Anh

Có nhiều khởi sắc

Huyện Khánh Vĩnh có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 13 xã, thị trấn. Trong đó, ĐBDTTS chiếm hơn 71% dân số. Từ sau Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ III, năm 2019, vùng ĐBDTTS và miền núi huyện Khánh Vĩnh tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động tối đa nguồn lực, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn vùng ĐBDTTS có nhiều khởi sắc; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất và đời sống của người dân. Nhiều mô hình hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả được triển khai và nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo; đời sống vật chất và tinh thần của ĐBDTTS không ngừng được cải thiện...

Tại xã Giang Ly, những năm qua, các tuyến đường vào khu sản xuất được quan tâm đầu tư xây dựng, việc vận chuyển nông sản, đi lại của người dân thuận lợi hơn rất nhiều. Ông Hà Luông (thôn Gia Rích) phấn khởi nói: "Đường giao thông được đổ bê tông, kiên cố hóa. Đặc biệt, đường vào các khu sản xuất cũng được đầu tư, giúp người dân không còn lo cảnh lầy lội, đường đất bùn sình vào mùa mưa nữa".

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Khánh Trung thu hoạch bưởi da xanh. Ảnh: Công Định

Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, đến nay, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Theo thống kê, trong 2 năm 2022 và 2023, huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng 42 công trình đường vào các khu sản xuất trên địa bàn các xã với tổng chiều dài khoảng 18km, 1 công trình kè chống sạt lở, phục vụ cho hơn 1.200 hộ ĐBDTTS có diện tích đất canh tác xung quanh dự án đầu tư được thụ hưởng, tổng mức đầu tư hơn 44 tỷ đồng. Huyện cũng quan tâm duy tu, bảo dưỡng các công trình đã đầu tư giai đoạn trước. Từ năm 2022 đến nay, địa phương triển khai 22 dự án duy tu, bảo dưỡng, giải ngân đạt 98,12% kế hoạch vốn giao... Qua đó, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, các vùng sản xuất được kết nối, kinh tế từng bước phát triển, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị sản phẩm đầu ra, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho ĐBDTTS.

Theo lãnh đạo huyện, trong 5 năm qua, các chương trình, chính sách đã được địa phương triển khai đồng bộ, phát huy hiệu quả. Nổi bật nhất là sự quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng vùng ĐBDTTS. 100% hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% ĐBDTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện bố trí hơn 39,3 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ xây mới 482 căn nhà cho người DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, huyện đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 267 căn nhà cho hộ nghèo, các hộ còn lại dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý III và quý IV/2024, qua đó cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở...

Nâng cao đời sống người dân

Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, cùng với việc đầu tư hạ tầng, công tác giảm nghèo bền vững cho ĐBDTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Những năm qua, Khánh Vĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của nhân dân. Qua đó, phát huy tinh thần tự lực của người dân, sử dụng hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước...

Giai đoạn 2019 - 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi. Hầu hết các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, đã giải ngân cho 948 lượt khách hàng vay vốn với dư nợ gần 50 tỷ đồng. Trong đó, 131 hộ nghèo vay hơn 6 tỷ đồng; 87 hộ cận nghèo vay hơn 4,6 tỷ đồng; 71 hộ thoát nghèo vay hơn 3,8 tỷ đồng...

Tiết mục biểu diễn mã la của đồng bào dân tộc Raglai tại lễ hội Thanh âm của núi do Huyện đoàn Khánh Vĩnh tổ chức.

Về chính sách hỗ trợ hộ nghèo thiếu đất sản xuất có nhu cầu chuyển đổi nghề, địa phương thực hiện hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc cho 260 hộ nghèo, giải ngân gần 2,6 tỷ đồng, đạt 97,7% kế hoạch giao. Trong năm 2024, các địa phương tiếp tục triển khai hỗ trợ 124 hộ nghèo còn lại đã được phê duyệt trong giai đoạn 2021 - 2025. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS đạt 86,5%; 100% người dân trong độ tuổi lao động vùng ĐBDTTS và miền núi được tập huấn công tác dân tộc, kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề... Nhờ đó, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Khánh Vĩnh đạt 28,48 triệu đồng/người/năm (vượt so với mục tiêu đề ra tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ III); tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS giảm bình quân hơn 7%/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 25,51% (vượt so với mục tiêu đề ra)... Việc thực hiện các chính sách, bảo tồn văn hóa trong ĐBDTTS cũng được quan tâm đúng mức, với nhiều hình thức như: Thực hiện sửa chữa 18 nhà văn hóa, nhà cộng đồng; tổ chức phục dựng lễ hội; tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể...

Thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện... với mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống đồng bào các DTTS; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

VĨNH THÀNH