22:23, 20/06/2024

Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Cam Lâm lần thứ IV 
Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Đ.LÂM

Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, kết hợp triển khai đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn huyện Cam Lâm đã được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Nỗ lực giảm nghèo

Đến xã Cam Tân hôm nay, ven những con đường đã được bê tông hóa, những căn nhà của ĐBDTTS được xây dựng khá kiên cố; đời sống của người dân dần được nâng cao, nhiều gia đình thoát nghèo nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội. Bà Mang Thị Thảo (thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân) chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã nhưng nhờ được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước cùng với việc nuôi bò do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ nên gia đình đã thoát nghèo và từng bước vươn lên để cuộc sống đủ đầy hơn. Khi được hỗ trợ bò giống, vợ chồng tôi rất mừng và quyết tâm chăm sóc tốt, xem đây là cơ hội thoát nghèo. Bò đẻ lứa đầu, bê con được giao cho hộ khác nuôi, vợ chồng tôi tiếp tục chăm sóc tốt nên bò mẹ đã đẻ thêm nhiều lứa nữa. Đây chính là điều kiện để gia đình phát triển kinh tế bền vững từ mô hình nuôi bò sinh sản”.

Đầu tư hạ tầng giao thông khu vực sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Cam Lâm.

Không chỉ ở xã Cam Tân, cuộc sống của các hộ ĐBDTTS ở xã Sơn Tân cũng có nhiều thay đổi. Ông Cao Minh Sao - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Tân cho biết, xã thuộc vùng ĐBDTTS và miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Cam Lâm. Toàn xã có 313 hộ ĐBDTTS, với 1.239 nhân khẩu ở 2 thôn Suối Cốc và Valy. Những năm qua, các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc luôn được các cấp, ngành tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện thường xuyên. Công tác giảm nghèo trên địa bàn xã đã có những kết quả đáng khích lệ. Năm 2023, ĐBDTTS trên địa bàn xã chỉ còn 15 hộ nghèo với 51 nhân khẩu (giảm 13,3%); 43 hộ cận nghèo với 186 nhân khẩu (giảm 24,6%).

Theo bà Lê Thị Thu Thùy - Trưởng phòng Dân tộc huyện Cam Lâm, trên địa bàn huyện có 1.670 hộ ĐBDTTS với 7.241 nhân khẩu, chủ yếu là người Raglai, Thái, Nùng, Mường, Chăm, Hoa, Tày...; trong đó đồng bào dân tộc Raglai chiếm 93,8%. Địa bàn sinh sống tập trung tại các xã: Sơn Tân, Suối Cát và Cam Phước Tây. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã tập trung huy động nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, áp dụng kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, chuyển đổi phương thức canh tác, cung ứng những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của ĐBDTTS, từng bước hình thành các vùng sản xuất trên địa bàn vùng ĐBDTTS và miền núi; tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn nâng cao kỹ năng chăm sóc cây trồng, vật nuôi... Nhờ đó, ĐBDTTS bước đầu đã biết thực hiện các quy trình, kỹ thuật canh tác, chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống; nhiều hộ đã cải tạo vườn tạp, nương rẫy, mở rộng quy mô sản xuất đạt hiệu quả cao. Với các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, kịp thời, công tác giảm nghèo vùng ĐBDTTS đã đạt được kết quả cao. Đến cuối năm 2023, toàn huyện có 189 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,6%; trong đó có 75 hộ ĐBDTTS nghèo, chiếm tỷ lệ 0,23%, bình quân hàng năm giảm 4%; hộ cận nghèo ĐBDTTS là 510 hộ, chiếm 1,6%.

Tăng cường đầu tư hạ tầng

Để nâng cao hơn nữa đời sống của ĐBDTTS trên địa bàn huyện, thời gian qua, huyện đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông cho các xã thuộc vùng có nhiều ĐBDTTS sinh sống như: Cam Phước Tây, Sơn Tân và Suối Cát; từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đi lại, vận chuyển giao thương hàng hóa, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Từ năm 2019 đến 2024, huyện đầu tư hơn 73,6 tỷ đồng cho các hạng mục đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, liên xóm, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa... Đến nay, 100% xã vùng ĐBDTTS và miền núi có đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được đầu tư khang trang, các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân; 100% các xã vùng ĐBDTTS và miền núi đã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; có điện lưới quốc gia và được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Bên cạnh đó, huyện đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học như: Xây mới phòng học, nhà hành chính, bếp ăn Trường Mẫu giáo Họa Mi (xã Sơn Tân); xây dựng nhà ăn Trường Tiểu học Khánh Hòa - JeJu (xã Suối Cát); xây phòng học, khối hành chính Trường Tiểu học Suối Cát; xây nhà hành chính và nhà bếp Trường Mầm non Phong Lan (xã Cam Phước Tây)... với tổng kinh phí thực hiện gần 32,6 tỷ đồng. Huyện còn triển khai đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho lớp 1, lớp 2, lớp 6. 

Học sinh dân tộc thiểu số của Trường Tiểu học Cam Phước Tây.

Trong hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp vùng ĐBDTTS và miền núi, từ năm 2020 đến nay, huyện Cam Lâm đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện hỗ trợ nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp mới, với các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp cho người dân vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn huyện từ nguồn ngân sách huyện cho công tác khuyến nông, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như: Hỗ trợ máy làm đất đa năng vùng miền núi phục vụ sản xuất nông nghiệp cho ĐBDTTS với kinh phí 33 triệu đồng; hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất lúa và mô hình nhân rộng trồng thâm canh giống xoài mới (xoài Keitt) với kinh phí 104 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi gà bản địa thương phẩm theo hướng an toàn sinh học cho vùng miền núi tại các xã: Cam Phước Tây, Sơn Tân và Suối Cát, với tổng kinh phí hỗ trợ 58,8 triệu đồng... Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện mô hình, các cơ quan, đơn vị còn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất giúp đồng bào nâng cao kỹ năng, tiếp cận kiến thức khoa học từ đó áp dụng vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương.

Ông Nguyễn Trọng Trung - Bí thư Huyện ủy Cam Lâm đánh giá, nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, đời sống ĐBDTTS trên địa bàn huyện được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hộ dân gặp nhiều khó khăn; số hộ thoát nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Để thực hiện tốt chính sách dân tộc trong thời gian tới, huyện sẽ nỗ lực cao nhất nhằm giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Cả hệ thống chính trị sẽ phát huy tính năng động, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và tránh tái nghèo. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tập trung đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho ĐBDTTS; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. "Ngoài ra, huyện cũng tuyên truyền để các hộ ĐBDTTS quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho con em được đến trường học tập. Chính quyền các cấp tuyên truyền để người dân ý thức về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS; đồng thời kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, không để xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tiếp tục xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh truyền thống với bản sắc văn hóa của các dân tộc” - ông Nguyễn Trọng Trung nhấn mạnh.

Đ.LÂM