Mùa hè đến cũng là lúc nhiều người dân Nha Trang tìm chỗ thả diều - một trò chơi dân gian truyền thống, hấp dẫn trẻ em. Nhưng thả diều ở đâu cho an toàn là vấn đề cần được quan tâm.
Không phải chỗ nào cũng được thả diều
Trước kia, muốn chơi thả diều, người chơi thường phải tự làm con diều bằng giấy báo, giấy vở cũ hoặc giấy màu; khung diều làm bằng nan tre, kích thước cánh diều chừng 1 sải tay; dây cột diều bằng chỉ hoặc len, dài vài ba mét. Nhưng giờ đây, người chơi chỉ cần ghé cửa hàng tạp hóa mua được con diều đủ màu sắc, kích cỡ, hình thù, chất liệu..., dây diều bằng sợi ni-lông rất khó đứt. Nhớ lại thuở bé thường chơi thả diều cùng bạn bè, bà Nguyễn Thị Kim Loan (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) chia sẻ, thả diều đòi hỏi không gian rộng rãi, không có vật cản, không gần đường giao thông. Chơi thả diều ở nơi chật hẹp, đông đúc, gần đường giao thông có những nguy hiểm khó lường, như: Diều vướng lưới điện; trẻ mải theo diều chạy ra đường giao thông… Ông Phan Đình Tấn (phường Vĩnh Hải, Nha Trang) cho biết, trò chơi này không chỉ đem lại niềm vui cho trẻ em mà còn rèn tính kiên nhẫn, khéo léo, kiên trì, tập trung, độc lập, sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề… Tuy nhiên, ở khu vực đô thị, nơi có nhiều đường giao thông, đường dây điện và ít khoảng trống, việc thả diều có thể không an toàn cho trẻ em, người dân, du khách.
Thả diều ở bãi biển Nha Trang. (ảnh chụp ngày 4-5-2024) |
Thực tế cho thấy, trò chơi thả diều có sức hút khá lớn, nhưng không phải địa điểm nào cũng phù hợp để trải nghiệm trò chơi này. Ông Thái Quốc Hưng - Trưởng phòng An toàn, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa cho biết, trong Nghị định số 14, ngày 26-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, 1 trong 14 hành vi bị nghiêm cấm là "thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện". Theo số liệu thống kê, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 trường hợp thả diều, thả bong bóng, bắn dây kim tuyến có nguy cơ gây mất an toàn lưới điện. Để thả diều an toàn, người chơi cần tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn, trong đó có các quy định về an toàn điện.
Quy định cấm đã có từ lâu
Tại văn bản số 3603 ngày 15-5-2024 của UBND TP. Nha Trang trả lời Báo Khánh Hòa có nêu ngày 5-10-2015, UBND thành phố đã có Quyết định số 3736 ban hành Nội quy công viên bờ biển Nha Trang, gồm 12 điều, trong đó có nhiều quy định cấm. Tại Điều 12 quy định "cấm tổ chức ăn uống, đốt lửa, thả diều trên công viên, bãi biển”. Việc ban hành nội quy để việc quản lý công viên bờ biển Nha Trang đi vào nề nếp, đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Nội quy công viên bờ biển Nha Trang có quy định cấm thả diều. |
UBND thành phố cũng khuyến cáo, những tai nạn do thả diều gây ra đã để lại hậu quả khôn lường; người chơi cần tìm đến không gian rộng rãi, không vướng dây điện có nguy cơ gây cháy, nổ; không tiềm ẩn những rủi ro nguy hiểm như vướng dây diều vào người đi đường và những người xung quanh. Việc cấm thả diều nhằm đảm bảo an toàn về cháy, nổ đường dây tải điện trong khu vực và đảm bảo an toàn cho người tham gia vui chơi tại khu vực công viên. UBND TP. Nha Trang đã có văn bản giao các xã, phường, Đội Thanh niên xung kích tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp thả diều tại khu vực công viên bờ biển và các khu vực khác có nguy cơ gây mất an toàn.
Quy định cấm thả diều tại khu vực công viên bờ biển Nha Trang đã có từ lâu và được niêm yết công khai tại các bảng nội quy dọc bờ biển, nhưng người dân đi tắm biển, vui chơi tại đây ít chú ý. Bà Loan đề nghị thành phố cần tăng cường tuyên truyền nội quy nói trên bằng nhiều hình thức. Còn ông Tấn mong muốn, thành phố nghiên cứu, bố trí những khu vực được phép thả diều, như các sân vận động, công viên tại khu dân cư… và có lắp đặt biển thông báo rõ ràng. Liên quan đến các đề xuất này, có ý kiến cho rằng, không nên cấm thả diều ở những khu vực rộng và không có vật cản trên không, như quảng trường, sân bóng thanh niên thuộc khu vực công viên bờ biển Nha Trang.
T.M
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin