Mùa khô năm nay được dự báo rất khắc nghiệt, nắng nóng, khô hanh kéo dài nên nguy cơ cháy rừng thường xuyên ở mức cao đến rất cao; trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Vì vậy, trong suốt cao điểm mùa khô năm nay, các địa phương, đơn vị chủ rừng cần cảnh giác cao độ nguy cơ cháy rừng.
Nguy cơ cao
Từ đầu năm đến nay, do thời tiết khô hanh kéo dài, nhiều diện tích rừng trên địa bàn thị xã Ninh Hòa luôn thường trực trước nguy cơ cháy rất cao. Qua rà soát của chính quyền địa phương, trong cao điểm mùa khô năm nay, thị xã có hơn 5.269ha rừng có nguy cơ cháy cao, chủ yếu tập trung ở các địa phương: Ninh Phú, Ninh Tân, Ninh Sơn, Ninh Thượng, Ninh Phước, Ninh Vân và Ninh Tây. Tuy chính quyền cơ sở, đơn vị chủ rừng đã chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhưng mới đây, trên địa bàn đã xảy ra vụ cháy khoảng 30ha keo của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa và khoảng 15ha keo, 9ha mía lưu gốc, 6ha xoài của người dân địa phương.
Lực lượng chức năng tiếp cận chữa cháy trong vụ cháy rừng ở xã Ninh Sơn mới đây. |
Tại huyện Khánh Sơn, tình trạng El Nino kéo dài từ cuối năm 2023 sang các tháng đầu năm 2024 đã gia tăng cường độ gây nắng nóng, khô hạn dẫn đến nguy cơ cháy rừng trên địa bàn huyện rất cao. Ông Đỗ Lam Điền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn cho biết: “Địa phương đã xác định cụ thể 30 tiểu khu trọng điểm có nguy cơ cháy cao, với tổng diện tích khoảng 7.784ha, chủ yếu thuộc lâm phận của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa và diện tích do UBND cấp xã quản lý. Cao điểm nắng nóng trong mùa khô năm nay trùng với thời điểm người dân đốt dọn nương rẫy. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, chúng tôi tập trung vận động người dân khi xử lý thực bì phải thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan kiểm lâm để cắt cử lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ; khi đốt dọn phải tuân thủ làm đường ranh cản lửa, cắt cử người canh coi, đảm bảo đến khi đám cháy tắt hoàn toàn mới được ra về…”.
Trong cao điểm mùa khô năm nay, toàn tỉnh có khoảng 55.492ha rừng tự nhiên và rừng trồng thuộc diện nguy cơ cháy cao. Ngoài các diện tích ở thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Sơn, còn có khoảng 5.348ha ở huyện Diên Khánh, 7.323ha ở huyện Cam Lâm, 2.194ha ở huyện Vạn Ninh, 25.554ha ở huyện Khánh Vĩnh, 1.079ha ở TP. Cam Ranh, 1.389ha ở TP. Nha Trang.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy rừng, với tổng diện tích thiệt hại hơn 85ha rừng, gồm hơn 61ha thuộc quy hoạch 3 loại rừng, hơn 24ha nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng và 7 vụ cháy dây leo, cây bụi không thiệt hại đến rừng.
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là
Theo ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), theo dự báo từ nay đến tháng 8 năm nay, khu vực Trung Bộ, trong đó có tỉnh Khánh Hòa nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo trong khu vực Nam Trung Bộ sẽ xuất hiện 4 - 6 đợt nắng nóng, không mưa, độ ẩm rất thấp nên nguy cơ cháy rừng thường xuyên ở mức cao đến rất cao. Để chủ động ứng phó với tình trạng cháy rừng, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã liên tục có các công văn đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng trong toàn tỉnh chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong suốt mùa khô hanh năm nay.
Gần đây, lực lượng kiểm lâm Ninh Hòa và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa xử lý kịp thời một đám cháy lan vào rừng trồng ở khu vực xã Ninh Tây. |
Mới đây, Sở NN-PTNT cũng đã có công văn gửi các sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng trong tỉnh đề nghị tăng cường triển khai các biện pháp PCCCR. Đối với các đơn vị chủ rừng, Sở NN-PTNT đề nghị chủ động nắm bắt, cập nhật liên tục thông tin về thời tiết, khí hậu để dự báo tình hình, cấp dự báo cháy rừng, xác định vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao trong lâm phận của mình để kịp thời thực hiện các biện pháp PCCCR; bố trí các chốt chặn, tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng. Trong công tác phòng cháy, các đơn vị chủ rừng phải kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế, dập tắt đám cháy rừng trong thời gian ngắn nhất. Cùng với đó, các đơn vị chủ rừng cần thực hiện các biện pháp xử lý thực bì, làm giảm vật liệu cháy, đảm bảo khoảng cách an toàn tại các khu vực rừng có các đường dây truyền tải điện đi qua; rà soát, điều chỉnh phương án PCCCR phù hợp với thực tế của đơn vị; nắm chắc các tuyến đường dẫn đến các khu rừng, nguồn nước gần nhất phục vụ công tác chữa cháy, đảm bảo các trang bị phương tiện, dụng cụ PCCCR phù hợp, đáp ứng yêu cầu PCCCR…
Đối với lực lượng kiểm lâm, Sở NN-PTNT yêu cầu Chi cục Kiểm lâm phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tiếp nhận thông tin, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, chỉ đạo các hạt kiểm lâm trực thuộc tổ chức trực phòng cháy 24/24 giờ kể cả ngày nghỉ lễ, thứ Bảy và Chủ nhật trong suốt mùa khô hanh; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, cung cấp thông tin cho đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương chủ động thực hiện các biện pháp về PCCCR; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR đến người dân. Các công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn phải kịp thời tham mưu chính quyền cơ sở triển khai các kế hoạch, phương án quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; tăng cường công tác phối hợp bảo vệ diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã quản lý…
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin