Chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn là trách nhiệm của toàn xã hội. Để trẻ em được chăm sóc, bảo vệ và phát triển toàn diện luôn cần chiến lược đầu tư lâu dài, ưu tiên nguồn lực cho công tác trẻ em.
* Bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:
Tăng cường hoạt động giúp đỡ trẻ em
Bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ. |
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các cấp hội phụ nữ đã tăng cường công tác phối hợp và tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, cùng nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật…, giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và cuộc sống. Các hoạt động được tổ chức với nhiều hình thức, như: Tặng học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập, sổ tiết kiệm, khám, chữa bệnh…
Để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc toàn diện hơn, các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Công tác truyền thông tiếp tục tập trung vào đối tượng là cha mẹ, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, ứng phó với các tình huống bị xâm hại, bạo lực, bị đuối nước, kỹ năng thoát hiểm, hỗ trợ, định hướng cho trẻ em. Đồng thời, phát triển mạng lưới, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có sự phối hợp liên ngành, liên cấp.
* Bà Huỳnh Thị Như Ý - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh:
Trang bị nhiều hơn nữa các kỹ năng cho thiếu nhi
Bà Huỳnh Thị Như Ý. |
Hiện nay, trẻ em rất cần được trang bị những kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội cho bản thân. Do đó, thời gian qua, Tỉnh đoàn và các cấp bộ đoàn đã đẩy mạnh thực hiện nội dung này. Để trẻ em phát triển và được chăm sóc toàn diện hơn nữa, cần có nhiều hơn những hoạt động như: Trang bị kỹ năng an toàn, tự bảo vệ và kỹ năng thoát hiểm khi gặp tình huống khẩn cấp; tuyên truyền, hướng dẫn bố, mẹ, người chăm sóc trẻ em những kỹ năng trong phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; tổ chức nhiều sân chơi cho thiếu nhi trong dịp hè... Các cấp bộ đoàn, hội, đội cần tiếp tục vận động, đa dạng các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...; đầu tư cơ sở vật chất, vận động nguồn lực xã hội xây dựng bể bơi để dạy bơi cho trẻ em; tạo thêm các khu vui chơi an toàn cho thiếu nhi; tổ chức những đội hình tình nguyện tại các địa phương để hỗ trợ thiếu nhi học tập, rèn luyện kỹ năng...
* Bà Đinh Thị Nam - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang:
Ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác trẻ em
Bà Đinh Thị Nam. |
Những năm qua, TP. Nha Trang luôn ưu tiên bố trí ngân sách, mỗi năm hơn 200 triệu đồng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đồng thời, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho hơn 1.000 trẻ em nghèo, mỗi năm hơn 1,5 tỷ đồng.
Trong giai đoạn hiện nay, trẻ em ngày càng đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, nhất là trên không gian mạng. Do đó, để bảo vệ, chăm sóc trẻ em một cách toàn diện, trước tiên gia đình phải có trách nhiệm hàng đầu trong việc nuôi dạy trẻ. Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với trẻ em. Đồng thời, mở rộng việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vận động thêm nguồn lực để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em thông qua hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất, giám sát, rà soát, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ này…
CHÂU TƯỜNG - V.THÀNH - V.G (Ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin