Nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em miền núi, ngày 14-12-2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 130 phê duyệt Đề án Sữa học đường tại huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2024 - 2030. Theo đó, trẻ mầm non của 2 địa phương này sẽ được uống sữa miễn phí 5 lần/tuần trong 9 tháng của năm học.
Góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng
Trường Mầm non Sao Mai (xã Ba Cụm Bắc, Khánh Sơn) bắt đầu thực hiện chương trình sữa học đường từ năm học 2017 - 2018. Cô Ngô Thị Trúc Linh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hầu hết trẻ học tại trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên rất ít phụ huynh có điều kiện mua sữa cho con uống. Vì vậy, khi chương trình sữa học đường được triển khai, các phụ huynh đều rất phấn khởi, đồng tình. Theo đó, trẻ nhà trẻ được uống sữa 5 hộp/tuần, trẻ mẫu giáo được uống 3 hộp/tuần; trẻ em là con gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo được uống sữa miễn phí hoàn toàn, trẻ không thuộc diện chính sách thì gia đình đóng 30% (còn lại là ngân sách và đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ). Qua theo dõi, trẻ uống sữa có sự cải thiện về chiều cao so với trước. Cùng với chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ dân tộc thiểu số, việc triển khai chương trình sữa học đường (giai đoạn 2017 - 2021) đã góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non. Các trường mầm non khác trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh được thụ hưởng chương trình này đều ghi nhận những kết quả tích cực trong việc cải thiện tầm vóc, sức khỏe của trẻ.
Các bé Trường Mầm non Sao Mai (huyện Khánh Sơn). |
Được biết, từ tháng 9-2017 đến tháng 12-2021, tỉnh đã triển khai chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mầm non tại 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, với tổng kinh phí hơn 18,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 13,7 tỷ đồng; cha mẹ trẻ đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng; đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng. Qua hơn 4 năm triển khai, thể lực của trẻ có chuyển biến rõ rệt; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhà trẻ cuối năm học giảm bình quân 10 - 12% so với đầu năm, trẻ mẫu giáo giảm 10 - 16%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở nhà trẻ giảm 10 - 15%, trẻ mẫu giáo giảm 13 - 17%.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trung bình 0,3%/năm; suy dinh dưỡng thể thấp còi trung bình 0,2%/năm; đến năm 2030, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trung bình 0,35%/năm; suy dinh dưỡng thể thấp còi trung bình 0,3%/năm. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, truyền thông, giáo dục và tư vấn dinh dưỡng đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế học đường, cha mẹ trẻ để trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Trẻ sẽ được uống sữa miễn phí
Tuy đã có sự cải thiện, nhưng do đặc điểm sinh lý, thể chất và đời sống kinh tế thiếu thốn, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở 2 huyện miền núi vẫn còn rất cao, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến đầu năm học 2023 - 2024, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở Khánh Sơn độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo lần lượt là 25,6% và 31,7%, ở Khánh Vĩnh là 39,2% và 33,5%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở Khánh Sơn là 32,1% và 31,4%, Khánh Vĩnh là 33,6% và 31,4%. Từ thực trạng đó, việc tăng cường các giải pháp bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với đẩy mạnh hoạt động thể lực trong các cơ sở giáo dục hiện nay là vấn đề cấp bách được ngành Giáo dục tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Ngày 14-12-2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 130 phê duyệt Đề án Sữa học đường tại huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2024 - 2030, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em miền núi. Dự kiến, từ năm học 2024-2025, trẻ sẽ được uống sữa theo đề án này.
Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo đề án, toàn bộ trẻ của các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm lớp độc lập tư thục (đã được cấp giấy phép hoạt động) của 2 huyện miền núi đều được uống sữa miễn phí 9 tháng/năm học (trừ 3 tháng hè), 5 lần/tuần, mỗi lần 1 hộp sữa tươi tiệt trùng có đường (110ml/hộp đối với trẻ nhà trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi; 180ml/hộp đối với trẻ mẫu giáo từ 3 đến 6 tuổi). Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 75%, đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ 25% giá sữa trúng thầu. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 61,5 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 46,1 tỷ đồng; đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ hơn 15,3 tỷ đồng). Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà thầu cung ứng sữa để cấp cho các cơ sở giáo dục mầm non tại 2 huyện miền núi. Đơn vị cung cấp sữa phải đảm bảo các tiêu chí lựa chọn và các điều kiện theo đúng quy định; cung ứng sữa kịp thời, không gián đoạn, vận chuyển sữa đến tận kho của các trường mầm non an toàn.
H.NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin