19:47, 21/04/2024

Thông hầm đường sắt qua Đèo Cả

VĂN KỲ

Sau sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió (khu vực đèo Cả, thuộc địa bàn thôn Đông Bắc, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh), ngành Đường sắt vừa nỗ lực gia cố hầm để sớm thông tuyến đường sắt, vừa nỗ lực chuyển tải hàng hóa và hành khách để việc lưu thông tuyến Bắc - Nam không bị ảnh hưởng nhiều.

Tàu công trình chạy qua hầm Bãi Gió để thử tải.

Khẩn trương khắc phục

Liên quan đến sự cố sạt lở hầm Bãi Gió, đại diện Ban Quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) cho biết, tính đến nay, các mũi thi công đã thực hiện 37 mũi khoan neo bên trong hầm và 2 mũi khoan từ trên đỉnh núi xuống vị trí sạt lở. Hai mũi khoan từ đỉnh núi vừa giúp quan sát kết cấu đất đá ở vị trí sạt lở bằng camera, vừa giúp các chuyên gia xác định tình trạng ở vỏ hầm để thực hiện các mũi khoan bên trong. 37 mũi khoan neo bên trong sẽ phun vữa bê tông áp suất cao, giúp làm cứng, gia cố kết cấu với vòm hầm. Sau đó, các mũi thi công đã bơm bê tông, lắp khung sắt vào thân hầm. Đồng thời, đào khoét dần vào trong nhằm đảm bảo việc thi công, thu dọn đất đá được an toàn tuyệt đối.

Tàu công trình chở lãnh đạo, cán bộ ngành Đường sắt vào hầm Bãi Gió để đánh giá độ an toàn.

Theo ghi nhận của phóng viên, hàng ngày luôn có khoảng 250 công nhân, kỹ sư có mặt tại công trường, được chia làm nhiều mũi thi công khẩn trương khoan neo, dựng khung sắt tăng kết cấu vỏ hầm và các mũi khoan từ phía đỉnh xuống vị trí sạt lở với khoảng cách hơn 23m để bơm bê tông gia cố. Ngoài ra, sau khi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chỉ đạo, Công ty Cổ phần Sông Đà 10 đã điều hơn 20 kỹ sư, công nhân cùng nhiều máy móc đến tăng cường khắc phục sạt lở hầm Bãi Gió. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3 tăng cường 80 kỹ sư, công nhân đến công trường để sớm khắc phục sự cố. Những ngày qua, công trường gần như không ngủ, các mũi thi công thay nhau làm xuyên đêm. Tổ chỉ huy tiền phương tổ chức họp bàn, kiểm đếm tiến độ và thường xuyên báo cáo Bộ GTVT.

Tàu công trình chính thức thử tải hầm đường sắt Bãi Gió vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 21-4.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoài - Giám đốc Ban Quản lý Dự án 85, Tổ trưởng Tổ chỉ huy tiền phương, những ngày qua, đơn vị đã điều lực lượng thi công chuyên nghiệp và triển khai các giải pháp mới thay cho những tính toán ban đầu. Thiết bị chuyên dụng cùng lực lượng kỹ sư dày dạn kinh nghiệm của Công ty Cổ phần Sông Đà 10 được biệt phái vào công trường, thiết lập các mũi thi công và tiến hành phun bê tông cứng hóa các vị trí sạt lở ở cả bên trên và bên dưới giúp xử lý dứt điểm các vị trí sạt lở và nguy cơ sạt lở cao. “Đến nay, các đơn vị của ngành Đường sắt, Ban Quản lý Dự án 85, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đã tăng cường loạt giải pháp mới có hiệu quả tích cực. Các đơn vị cũng đã tăng cường máy khoan chuyên dụng, đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố. Các mũi khoan đã khô, neo được lớp đất đá bên trên vỏ hầm nên công tác khắc phục đang đảm bảo tiến độ mà Bộ GTVT đề ra”, ông Hoài cho hay.

Tập trung hết sức chuyển tải hàng hóa

Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang thông tin, từ khi sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió xảy ra đến hết ngày 19-4, đơn vị đã hỗ trợ trung chuyển hơn 21.000 hành khách trên 74 đoàn tàu qua đường bộ để tiếp tục hành trình. Việc chuyển tải hành khách tương đối thuận lợi nhưng khó khăn lớn nhất của ngành Đường sắt là việc trung chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ ga Hòa Huỳnh (thị xã Ninh Hòa) đến ga Diêu Trì (tỉnh Bình Định) và ngược lại.

Tham gia trung chuyển hàng hóa từ Khánh Hòa ra Bình Định và ngược lại, ông Trần Phước Tuệ - nhân viên ga Hòa Huỳnh cho biết, trung bình mỗi ngày có 1 chuyến ra và 1 chuyến vào. Công việc khá vất vả khi thời tiết nắng nóng song các nhân viên đều cố gắng để đảm bảo đúng tiến độ. Hiện nay, các hàng hóa về ga Hòa Huỳnh chỉ là hàng khô, không còn hàng đông lạnh như những ngày trước đó. Để đảm bảo tiến độ, ngành Đường sắt đã huy động hơn 10 xe container túc trực tại ga Hòa Huỳnh để chuyển hàng ngay khi tàu về.

Ông Trần Việt Tùng - Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang xác nhận, mỗi ngày ngành Đường sắt phải vận chuyển 20 - 22 xe container từ ga Hòa Huỳnh ra ga Diêu Trì và ngược lại với khối lượng hàng lên đến 500 tấn. Các tài xế chạy hết công suất để đảm bảo hàng hóa không bị ách tắc. “Chúng tôi cố gắng không để hàng hóa tồn đọng quá nhiều. Tất cả chi phí trung chuyển hàng hóa đều do ngành Đường sắt chi trả, chủ hàng không phải chịu thêm bất kỳ chi phí phát sinh nào”, ông Tùng cho hay.

Hầm Bãi Gió (hầm số 23) lý trình Km1230 + 991 - Km1231 + 385 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, có chiều dài gần 394m, là công trình hầm đường sắt cấp II. Hầm được xây dựng năm 1930, khánh thành năm 1936, vỏ hầm làm bằng bê tông, dài hơn 400m, cao 5m, rộng 4m. Hầm đang được thi công kiên cố hóa, nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Ngày 12-4, nhà thầu thi công nhận lệnh phong tỏa từ 9 giờ 32 đến 13 giờ 32 phút để tiến hành thi công tại hầm Bãi Gió. Đến khoảng 12 giờ 45 phút cùng ngày, trong khi đang tiến hành phá dỡ bê tông vỏ hầm cũ đã xảy ra sạt lở địa tầng yếu trên vòm hầm. Khối lượng đất đá rơi xuống khoảng 150m3 làm gián đoạn chạy tàu đường sắt đến nay.


Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 21-4, các đơn vị đã cho tàu công trình có 8 toa chạy vào hầm Bãi Gió để thử tải. Tàu đi từ phía nam ra phía bắc hầm, sau đó quay chiều ngược lại. Các đơn vị liên quan đã họp, đánh giá và đưa ra thông báo chính thức thông hầm đường sắt Bãi Gió để các tàu khách đi lại bình thường vào lúc 19 giờ cùng ngày. Về đường bộ, dự kiến ngày 22-4 các phương tiện ô tô sẽ được đi qua đèo Cả.

VĂN KỲ