21:13, 22/04/2024

Tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT

H.NGÂN

Hơn 2 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (ngày 27 và 28-6). Đây là thời điểm các trường vừa tập trung dạy học, chuẩn bị kiểm tra cuối học kỳ II để hoàn thành chương trình theo kế hoạch, vừa tăng tiết ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh (HS).

Dạy tăng tiết cho khối 12

Thầy Trương Minh Trình - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) cho biết, từ ngày 26-2 đến 8-3, nhà trường đã tổ chức cho HS đăng ký bài thi tổ hợp. Theo đó, trong 630 HS khối 12, có 405 HS đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên, 225 HS đăng ký bài thi Khoa học xã hội. Trên cơ sở đó, nhà trường chia lớp ôn tập và chính thức áp dụng thời khóa biểu ôn tập 4 tuần, từ ngày 8-4 đến 4-5. HS di chuyển về lớp ôn tập vào các tiết 4, 5 của ngày thứ Hai, Ba, Tư và các tiết 3, 4, 5 của ngày thứ Năm, trên cơ sở danh sách lớp nhà trường đã niêm yết (tổng số tiết ôn tập của bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là 9 tiết/tuần). Ngày thứ Hai đến thứ Sáu học theo thời khóa biểu, ngày thứ Bảy, HS khối 12 nghỉ học, ôn tập tại nhà. Sau đợt ôn tập do nhà trường tổ chức cho đến ngày thi tốt nghiệp THPT, mỗi HS sẽ tự ôn luyện theo nhu cầu của cá nhân, rà soát lại kiến thức, luyện kỹ năng làm bài, tạo tâm thế tốt để tham gia kỳ thi đạt kết quả cao nhất.

Tiết ôn tập của học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng.
Tiết ôn tập của học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng.

Năm học này, Trường THPT Lạc Long Quân (huyện Khánh Vĩnh) có 145 HS khối 12 của 4 lớp, trong đó có 76 HS dân tộc thiểu số. Thầy Phạm Văn Tỉnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để giúp HS củng cố, nắm vững kiến thức, nhà trường bố trí lịch học chính khóa cho khối 12 vào buổi sáng; buổi chiều tổ chức dạy thêm trong nhà trường theo quy định, mỗi tuần 15 tiết. Các lớp học thêm buổi chiều được tổ chức, sắp xếp lại trên cơ sở HS đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thời gian ôn tập sẽ kết thúc vào ngày 15-6.

Theo thầy Phạm Ngọc Ninh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa), năm 2024 là năm cuối cùng thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ nên một số HS có phần lo lắng. Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch vừa dạy học, vừa ôn tập cho hơn 500 HS khối 12 theo hình thức cuốn chiếu ngay từ đầu năm học, đảm bảo vừa sức, không dồn ép. Đặc biệt, từ tháng 3 đến tháng 5 là 3 tháng tập trung cao điểm, tăng thời lượng ôn tập theo hình thức phối hợp với phụ huynh HS để tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, mỗi tuần tăng tổng cộng 6 tiết đối với 6 môn thi. Mục tiêu đặt ra là 100% HS khối 12 đỗ tốt nghiệp như năm trước.  

Cho học sinh làm quen với kỳ thi

Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, sở đã yêu cầu các trường tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng tăng cường kỹ năng vận dụng kiến thức của HS; so sánh, đối chiếu kết quả học tập qua các đợt kiểm tra để đánh giá sự tiến bộ của từng HS, từ đó xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp. Trong đó, cần phát huy trách nhiệm và vai trò chuyên môn của từng giáo viên, phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của từng môn, so sánh với các năm liền kề để rút kinh nghiệm; khảo sát phân loại, thực hiện ôn tập, phụ đạo theo đối tượng, đặc biệt chú ý tới HS có khả năng bị điểm liệt.

Bên cạnh đó, các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra cuối kỳ phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo cho HS nộp hồ sơ thi tốt nghiệp THPT đúng thời hạn. Trong tổ chức kiểm tra, lưu ý cho giáo viên, HS làm quen với cách thức kỳ thi tốt nghiệp THPT, đảm bảo đúng số bài, thời gian và lịch kiểm tra đã được Bộ GD-ĐT thông báo. Ngoài ra, các trường có thể tiến hành các đợt thi thử tốt nghiệp THPT cho HS; đề thi thử cần tham khảo các đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT trong những năm gần đây và đề minh họa năm 2024. Để việc thi thử đạt hiệu quả cao, các trường nên phối hợp với trường khác để đổi chéo đề; các trường tư thục và đơn vị dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cần mời chuyên gia, giáo viên cốt cán của các trường trên địa bàn xây dựng đề thi thử. Ngoài ra, giáo viên có thể tham khảo bộ đề của các đơn vị đề xuất và được Sở GD-ĐT thẩm định để xây dựng kế hoạch dạy ôn tập, lựa chọn và biên tập câu hỏi bài tập.

H.NGÂN