19:06, 07/04/2024

Tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh với các địa phương diễn ra chiều 6-4, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, từ ngày 8-4, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh ATTP. Từ ngày 9-4, các đoàn kiểm tra liên ngành của cấp huyện, cấp xã ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm... theo phân cấp quản lý.

Quang cảnh cuộc họp chiều 6-4.
Quang cảnh cuộc họp chiều 6-4.

Nguy cơ thực phẩm không rõ nguồn gốc và sai quy trình chế biến

Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn TP. Nha Trang đã xảy ra 3 vụ ngộ độc và nghi ngộ độc thực phẩm, khiến nhiều người phải nhập viện điều trị. Trong số đó, đến nay, cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về trường hợp nhiều học sinh nghi ngộ độc thực phẩm ở phường Vĩnh Trường và Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi. Trước đó, các học sinh này có ăn sáng với nhiều món như: Cơm gà, cơm gà xé, sushi... tại một số hàng quán ngoài trường học và của người bán hàng rong. Đối với vụ ngộ độc ở quán cơm gà Trâm Anh, theo thông báo kết thúc về chuyên môn của Sở Y tế, chủ quán có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nhưng không cung cấp được giấy tờ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm; không tuân thủ quy trình kiểm thực 3 bước; không lưu mẫu thức ăn theo quy định. Vì vậy, lực lượng chức năng không có mẫu lưu của bữa ăn gây ngộ độc (ngày 11 và 12-3) để làm xét nghiệm. Thượng tá Nguyễn Thị Minh Thảo - Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh cho biết, tuy chưa thể xác định những loại nguyên liệu nào gây ngộ độc tại quán cơm gà Trâm Anh nhưng cơ quan chức năng đã xác định được cơ sở này dùng nguồn nước giếng không đảm bảo để chế biến thức ăn; quy trình chế biến chưa đảm bảo quy định về ATTP. Về nguồn thực phẩm đông lạnh, đối với gà, quá trình kiểm tra cho thấy có nhiều kho đông lạnh trên địa bàn thành phố có sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, giá mua vào rất rẻ.

Đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Nha Trang kiểm tra mẫu tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: MÃ PHƯƠNG
Đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP. Nha Trang kiểm tra mẫu tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: MÃ PHƯƠNG

Ông Lê Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, năm 2023 và quý I/2024, toàn tỉnh đã tổ chức 502 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP, tiến hành thanh, kiểm tra gần 11.530 cơ sở thực phẩm. Qua đó, xử lý hành chính 91 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,26 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 2 tháng đối với 5 cơ sở vi phạm; buộc tiêu hủy 100kg chả cá, gần 2,5 tấn thịt đông lạnh, gần 6 tấn rau củ quả, 17 con so biển, 1.080 đơn vị sản phẩm thực phẩm… Tuy nhiên, nhân lực làm công tác ATTP tại các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện và xã còn quá mỏng. Riêng tuyến xã chỉ có 1 công chức văn hóa - xã hội được phân công tham mưu công tác quản lý nhà nước về ATTP của cả 3 ngành (Y tế, Nông nghiệp, Công Thương); một số công chức chưa được đào tạo về chuyên ngành. Ngoài ra, do nhiều nguyên nhân, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng, một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của việc lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm sạch, an toàn nên đã lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm không rõ nguồn gốc (hàng rong, hàng mua qua mạng xã hội...), dẫn tới nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe bệnh nhi trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại phường Vĩnh Trường.
Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe bệnh nhi trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại phường Vĩnh Trường.

Bên cạnh đó, hành vi của người chế biến là yếu tố quan trọng quyết định sự an toàn của thực phẩm. Bà Đào Thị Vân Khánh - Giám đốc Trung tâm ATTP khu vực miền Trung, Viện Pasteur Nha Trang nhìn nhận, trong các đợt đi kiểm tra về ATTP, hầu hết các cơ sở đều có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng trích xuất camera lại cho thấy, các cơ sở chưa tuân thủ đúng các quy định khi chế biến thực phẩm. Do vậy, cho dù nguyên liệu sạch, vận chuyển bảo đảm… nhưng quá trình chế biến, lưu trữ thức ăn không bảo đảm thì vẫn có nguy cơ rất cao phát sinh vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm.

Tích cực phòng, chống

Tại cuộc họp, đồng chí Đinh Văn Thiệu chỉ đạo các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Cục Quản lý thị trường; Công an tỉnh; UBND cấp huyện khẩn trương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) để kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh ATTP tại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, mua bán thực phẩm. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP (từ ngày 15-4 đến 15-5), tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, mua bán thực phẩm có thịt gà; cơ sở thực phẩm quy mô lớn, chế biến suất ăn sẵn; bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học…; các cơ sở có nguy cơ cao. Qua kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP và công khai hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một sạp bán thịt gà tại chợ Xóm Mới (TP. Nha Trang). Ảnh chụp sáng 7-4.
Một sạp bán thịt gà tại chợ Xóm Mới (TP. Nha Trang). Ảnh chụp sáng 7-4

Đồng chí Đinh Văn Thiệu yêu cầu, trước mắt, rà soát, hoàn chỉnh, khẩn trương ban hành kế hoạch đảm bảo ATTP năm 2024, trong đó có các hoạt động của Tháng hành động vì ATTP. Các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP, cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và người cung cấp thực phẩm. Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp các tài liệu truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, có trọng tâm, trọng điểm. Các địa phương kết hợp kiểm tra về ATTP với kiểm tra trật tự đô thị đối với các hộ kinh doanh thức ăn đường phố. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc về kinh phí thì báo cáo UBND tỉnh. "Phải xác định, công tác kiểm tra ATTP là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục", đồng chí Đinh Văn Thiệu nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN