20:40, 12/04/2024

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm

HỒNG ĐĂNG

Hiện nay, hầu hết các trang trại chăn nuôi gia cầm được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải. Các trang trại này áp dụng quy trình chăn nuôi chặt chẽ, có thể truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, mức độ kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học, môi trường tốt hơn so với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ.

50% gia cầm nuôi trong trang trại

Theo chân cán bộ chuyên môn của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh tại Nha Trang vào trại nuôi gà ở xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm), chúng tôi phải thực hiện một số công đoạn khử trùng, mặc trang phục bảo hộ đầy đủ. Trang trại có công suất 12.000 con/lứa, được đầu tư trên diện tích hơn 1.000m2. Bên trong, hàng nghìn con gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học, hệ thống máng ăn, máng nước tự động được bố trí đều đặn, thẳng hàng. Một đầu trại là hệ thống làm lạnh tỏa ra hơi mát, phía cuối trại là các quạt hút rất lớn, liên tục quay. Nhiệt độ được duy trì khoảng 27 - 28 độ C, không hề có mùi hôi nhờ lớp đệm lót sinh học và sử dụng men vi sinh để xử lý chất thải.

Bên trong một trang trại nuôi gà gia công cho C.P ở huyện Cam Lâm.

Ông Huỳnh Thanh Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh tại Nha Trang cho biết, trên địa bàn tỉnh, hệ thống trại nuôi gia công cho công ty có 12 trại gà trắng với tổng đàn 150.000 con và 18 trại gà màu (gà ta) với số lượng 360.000 con. Những trại này chủ yếu ở các địa phương: Cam Lâm, Diên Khánh và Khánh Vĩnh. Về quy trình nuôi, thông thường, gà trắng nuôi khoảng 45 ngày đạt trọng lượng xuất chuồng là 3kg; gà màu nuôi trong 70 ngày đạt trọng lượng 1,8kg. Trong suốt quá trình nuôi, ngoài hệ thống của công ty, đàn gà còn được sự giám sát của cơ quan thú y, chính quyền địa phương. Trước khi xuất bán, cơ quan thú y tiến hành kiểm tra lâm sàng và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đủ điều kiện xuất bán đối với đàn gà khỏe mạnh, bình thường. Mỗi ngày, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh tại Nha Trang cung cấp ra thị trường Khánh Hòa khoảng 1.500 con gà trắng và 2.000 con gà màu. “Ngoài những yêu cầu bắt buộc về điều kiện chuồng trại, trang thiết bị, toàn bộ trại gà gia công cho C.P đều sử dụng gà giống từ nhà máy ấp gà của C.P đặt tại tỉnh Đồng Nai; thức ăn được C.P sản xuất tại tỉnh Bình Định. Cả hệ thống đều có quy trình nuôi chặt chẽ khép kín, đồng bộ. Đàn gà được tiêm, uống, nhỏ mắt các loại thuốc, vắc xin theo quy định, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gà” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, các trang trại gà còn nuôi gia công cho các công ty như: Emivest, Japfa Comfeed với tổng đàn thường trực khoảng 200.000 con. Bà Trần Thị Hương Thảo - Trưởng phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, đàn gia cầm trên toàn tỉnh khoảng 3,07 triệu con. Trong đó có 2,3 triệu con gà, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh có gần 100 trang trại nuôi gia cầm, với số lượng gia cầm nuôi chiếm khoảng 50% tổng đàn gia cầm; số còn lại là chăn nuôi quy mô nông hộ.

Hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh ở hộ nuôi nhỏ lẻ

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, quan điểm của cơ quan quản lý muốn người chăn nuôi tập trung vào các trang trại nhằm kiểm soát tốt hơn dịch bệnh. Tuy nhiên, còn nhiều hộ dân, nhất là ở vùng nông thôn nuôi gà thả vườn hoặc bán thả vườn tận dụng thức ăn, lao động nông nhàn nhằm cải thiện thu nhập, cuộc sống. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm luôn được quan tâm ở cả 2 hình thức chăn nuôi quy mô trang trại và nông hộ.

Người nuôi gia cầm trang trại tuân thủ tốt các điều kiện phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường
Người nuôi gia cầm quy mô trang trại tuân thủ tốt các điều kiện phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20.000 hộ dân nuôi gia cầm. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, hàng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm dưới 500 con ở khu vực nguy cơ cao. Riêng năm nay, tỉnh đã cấp gần 400.000 liều vắc xin phòng dịch cúm gia cầm; các địa phương và cán bộ thú y đang tổ chức tiêm, dự kiến hoàn thành trong ít ngày tới. Ngoài ra, chính quyền địa phương và cơ quan thú y thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phải có trách nhiệm tổ chức tiêm phòng các bệnh thông thường cho đàn gia cầm; nhập giống gia cầm rõ nguồn gốc xuất xứ, quá trình nuôi phải đảm bảo vệ sinh môi trường, quây hàng rào, lưới nhằm kiểm soát đàn gà…

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện bệnh cúm gia cầm H5N1 tại 2 hộ chăn nuôi gà ở thôn Xuân Phú 1 (xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh) vào ngày 14-2. UBND xã Suối Tiên đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn gà của 2 hộ với 961 con gà 40 ngày tuổi vào ngày 15-2. Từ đó đến nay, địa phương không phát sinh ổ dịch mới.

Đàn gà nuôi trong trại lạnh.

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý buôn bán gia cầm tại các chợ, ông Lê Ngọc Tú - Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, phần lớn các chợ truyền thống chưa có khu vực riêng biệt đảm bảo vệ sinh thú y để buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Một số trường hợp còn giết mổ gia cầm ngay tại chợ hoặc các vị trí không được cấp phép giết mổ nhưng chưa được xử lý triệt để. Vì vậy, nhiều sản phẩm gia cầm buôn bán tại chợ chưa qua kiểm tra, kiểm soát của ngành thú y.

Theo bà Nguyễn Thị Hương Thảo, hiện nay, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và đàn gà nói riêng đang ở mức cao. Để ngăn chặn dịch bệnh có thể xảy ra và lây lan diện rộng, cơ quan thú y, chính quyền địa phương và người chăn nuôi đang tập trung giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý ngay các đàn gia súc, gia cầm ốm, chết; lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp bất thường, nghi ngờ để tìm vi rút gây bệnh; thống kê toàn bộ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn để tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ đợt I năm 2024, bảo đảm đạt tối thiểu hơn 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Cùng với đó, tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với những trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập không rõ nguồn gốc; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường chăm sóc gia cầm, vệ sinh chuồng trại, áp dụng các giải pháp an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, đặc biệt là vắc xin cúm cho đàn gia cầm. Ngoài ra, cơ quan thú y tăng cường phối hợp với cơ quan y tế thực hiện giám sát bệnh cúm gia cầm, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm.

HỒNG ĐĂNG