22:34, 25/04/2024

Khánh Sơn: Hướng nghiệp cho thanh niên giữ nghề truyền thống

VĨNH THÀNH

Nhằm hướng nghiệp, dạy nghề, tạo cơ hội sinh kế cho thanh niên gắn với bảo tồn nét văn hóa của địa phương, Huyện đoàn Khánh Sơn đã tổ chức bồi dưỡng, dạy các nghề truyền thống như: Làm đàn Chapi, đan gùi, làm nỏ cho thanh niên, đồng thời thành lập câu lạc bộ (CLB) nhằm duy trì và phát huy các nghề truyền thống này.

Huyện Khánh Sơn có khoảng 4.490 thanh niên, trong đó có 3.652 thanh niên dân tộc thiểu số. Thời gian qua, Huyện đoàn Khánh Sơn đã quan tâm duy trì công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên. Trong đó, chú trọng nội dung dạy nghề, hướng nghiệp, tạo cơ hội sinh kế cho thanh niên gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, đặc biệt là thanh niên dân tộc Raglai. Chị Mấu Thị Mộng Mơ - Bí thư Huyện đoàn Khánh Sơn cho biết, tháng 3 vừa qua, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện đã thành lập CLB đan lát truyền thống với 15 thành viên tham gia. CLB nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ có đam mê với ngành nghề thủ công truyền thống được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tạo môi trường sinh kế cho chính thanh niên. Thông qua sinh hoạt CLB, thanh niên có cơ hội đưa ra những ý tưởng hay để tạo ra các sản phẩm mang tính sáng tạo và thẩm mỹ hơn để quảng bá, giới thiệu, trưng bày tại các dịp lễ, ngày hội của huyện, tỉnh tổ chức.

Các thành viên Câu lạc bộ đan lát truyền thống sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm làm các sản phẩm.

CLB được chia thành 3 nhóm nhỏ với 3 nghề khác nhau gồm: Đan gùi; làm đàn Chapi; làm nỏ. Thành viên của CLB đa phần là những thanh niên làm nông, có tâm huyết muốn học hỏi, duy trì các nghề truyền thống của đồng bào Raglai. Theo chị Mơ, trước khi thành lập CLB, huyện đoàn đã tổ chức các lớp tập huấn, mời các nghệ nhân đến truyền đạt, dạy nghề thủ công mỹ nghệ, tạo nền tảng kiến thức, kỹ năng để các thanh niên tiếp tục phát huy khi tham gia CLB.

Từ ngày tham gia CLB, được các nghệ nhân hướng dẫn, học hỏi giữa các thành viên trong CLB, chị Mấu Thị Bích Thùy (24 tuổi, xã Sơn Hiệp) đã nắm rõ công đoạn để làm được một sản phẩm hoàn chỉnh. "Công việc chính của tôi là làm rẫy, tuy nhiên, tôi cũng rất muốn có được một nghề truyền thống của người Raglai, do đó tôi học nghề và tham gia CLB. Sau khi học được các kỹ thuật cơ bản về làm gùi, tôi và các thành viên CLB được huyện đoàn giới thiệu các đơn đặt hàng để làm, vừa tạo thêm thu nhập, vừa giúp nâng cao tay nghề hơn" - chị Thùy chia sẻ.

Bên cạnh học làm những món đồ được dạy, các thành viên CLB còn tìm hiểu, làm ra những món đồ thủ công khác như đan nia, đan thúng. Đến nay, đã có những đơn đặt hàng được huyện đoàn kết nối, giới thiệu để các thành viên CLB làm với hơn 50 đàn Chapi, hơn 10 gùi, 3 đơn đặt hàng làm nỏ. "Các đơn đặt hàng đến từ nhiều đối tượng khách khác nhau trong và ngoài tỉnh. Một số trường học trên địa bàn huyện đặt làm các đàn Chapi để trưng bày, giáo dục truyền thống cho học sinh; một số khách ở các tỉnh cũng biết đến và đặt mua hàng thủ công truyền thống để phục vụ trưng bày, làm du lịch..." - chị Mơ nói.

Theo đánh giá của Huyện đoàn Khánh Sơn, bước đầu, CLB đã mang lại hiệu quả trong thu hút các bạn trẻ tham gia học nghề, duy trì nghề nhằm gìn giữ các nghề truyền thống tại địa phương. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của CLB nhằm góp phần nâng cao tay nghề cho các thành viên; giới thiệu, quảng bá rộng rãi mô hình hoạt động của CLB để nhiều thanh niên khác biết đến và tạo đầu ra cho các sản phẩm. Qua đó, phát huy vai trò của thanh niên trong giữ gìn và bảo tồn văn hóa, bản sắc của địa phương gắn với việc hướng nghiệp cho thanh niên, giải quyết việc làm từ các ngành nghề truyền thống.

VĨNH THÀNH