21:01, 14/04/2024

Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại xã Khánh Đông: Nâng cao hiệu quả cải cách hành chính ở miền núi

NGUYỄN VŨ

Qua gần 5 tháng triển khai hoạt động (từ ngày 21-11-2023), điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến đặt tại xã Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh) đã giúp người dân miền núi làm quen với các thao tác thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

Tạo thuận lợi cho người dân

Gần trưa, anh Cao Văn Trung (thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông) tới quán cà phê Lộc Vừng - nơi đặt điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con gái đầu lòng. Nơi đây được trang bị máy vi tính; máy in kèm photocopy, scan; mạng wifi tốc độ cao…; có đoàn viên, thanh niên phối hợp với công chức tư pháp - hộ tịch xã hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục. Sau khi được bà Lưu Thị Minh Nguyệt - công chức tư pháp - hộ tịch xã Khánh Đông hỗ trợ, anh Trung đã tạo lập được tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, scan giấy tờ, làm tờ khai và được hệ thống tiếp nhận hồ sơ. Anh Trung cho biết: "Ban đầu chưa biết, tôi nghĩ rất khó, nhưng được hướng dẫn từng bước nên tôi đã làm được. So với làm thủ tục ở UBND xã, làm tại quán cà phê tiện hơn, người biết làm có thể bày cho người chưa biết làm nhiều lần mà không ngại. Hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến như thế này rất thuận lợi, thiết thực, hiệu quả". Đến làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân để bổ sung hồ sơ đất đai, ông Đoàn Mạnh Khuyến (thôn Suối Sâu, xã Khánh Đông) cũng xác nhận, mô hình này rất thuận tiện cho người dân, nhất là người dân miền núi không có máy vi tính, máy in, chưa quen sử dụng các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin.

Người dân được hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến ở xã Khánh Đông.
Người dân được hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính tại điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến ở xã Khánh Đông.

Ông Cao Thanh Phi - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Khánh Đông là xã miền núi, có khoảng 3.400 nhân khẩu với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người dân ở xã còn ngại tìm hiểu, ngại sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc không có điện thoại thông minh… Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến đặt tại xã đã tạo điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật để hỗ trợ người dân sử dụng máy vi tính kết nối Internet, in giấy tờ, nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến, thanh toán trực tuyến, thực hiện dịch vụ bưu chính công ích, sử dụng các dịch vụ công ích và thương mại điện tử… Không riêng người dân xã Khánh Đông, người dân các xã lân cận tới đây uống cà phê cũng được trải nghiệm, tự khởi tạo tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Mô hình được nhiều người dân ủng hộ.

Tiếp tục phát huy

Để giúp người dân dễ dàng thực hiện dịch vụ công trực tuyến, UBND xã đã phân công lực lượng công chức, đoàn viên, thanh niên trực hỗ trợ vào thứ Hai, Tư, Sáu; sau này có thể trực hỗ trợ cả tuần nếu cần. Bà Lưu Thị Minh Nguyệt cho biết, thời gian đầu, có người chưa biết sử dụng máy vi tính, nhưng đến nay, bà con đã tự vào mạng Internet, tra cứu thông tin thủ tục hành chính. Anh Nguyễn Hữu Lực - Bí thư Đoàn xã chia sẻ, mô hình góp phần lan tỏa việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, qua đó nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, giảm chi phí, thời gian và hồ sơ, giấy tờ khi giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên với cộng đồng.

Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại quán cà phê Lộc Vừng (thôn Suối Cau, xã Khánh Đông) được đưa vào hoạt động từ ngày 21-11-2023 và là điểm thứ 7 của tỉnh (5 điểm tại TP. Nha Trang, 1 điểm tại huyện Diên Khánh, 1 điểm tại huyện Khánh Vĩnh) theo lộ trình thực hiện Quyết định số 3548, ngày 30-12-2020 của UBND tỉnh ban hành Đề án thí điểm xây dựng Khu dân cư điện tử.

Theo thống kê của xã, từ thời điểm khai trương đến ngày 12-4, xã đã tiếp nhận tổng cộng 170 hồ sơ, riêng tại điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tiếp nhận 103 hồ sơ. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến tăng 30 - 35% so với trước khi có điểm hỗ trợ. Ngoài ra, mỗi ngày có gần 50 người tới điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến để được hướng dẫn và tự trải nghiệm.

Ông Nguyễn Như Thống - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Khánh Vĩnh cho biết, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt tối thiểu 50% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết. Vì vậy, điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại xã Khánh Đông là một cách để cơ quan nhà nước hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến. Đồng thời, lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng dân cư, từ đó hỗ trợ quá trình nộp, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thanh toán, trả kết quả theo phương thức trực tuyến được dễ dàng. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình này để dịch vụ công trực tuyến đến gần với người dân miền núi hơn.

NGUYỄN VŨ