Ngày 22-4, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) do bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) làm trưởng đoàn có buổi làm việc với BCĐ liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh Khánh Hòa về kết quả công tác quản lý nhà nước về ATTP và triển khai thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Còn những vi phạm; khó khăn, hạn chế trong quản lý
Bác sĩ Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhiều năm qua, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh được các sở, ngành, địa phương triển khai liên tục và thường xuyên; có sự phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ATTP cho các cấp, ngành. Riêng Tháng hành động vì ATTP năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức phát động và ra quân từ ngày 8-4. Toàn tỉnh đã thành lập 135 đoàn kiểm tra các cấp, tiến hành kiểm tra 2.857 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Qua kiểm tra, phát hiện 13 cơ sở có hành vi vi phạm về ATTP. Các đoàn kiểm tra đã xử phạt các cơ sở vi phạm với tổng số tiền 90 triệu đồng, buộc tiêu hủy 69 hũ đậu phụ muối, 52 đơn vị sản phẩm sữa Ensure. Đồng thời, lấy 11 mẫu thực phẩm xét nghiệm (đùi gà, cánh gà đông lạnh, gà công nghiệp rút xương, bánh gạo, bánh mochi trà xanh, khô gà xé, ghẹ sữa rim), gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật, hóa lý…; xét nghiệm nhanh một số chỉ tiêu về ATTP 12 mẫu, kết quả các mẫu đều đạt. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đã xét nghiệm nhanh vết tinh bột để kiểm tra độ sạch dụng cụ 120 mẫu, trong đó có 10 mẫu không đạt.
Đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu ở cơ sở kinh doanh thịt gia cầm, gia súc đông lạnh ở huyện Vạn Ninh gửi xét nghiệm. |
Cùng với đó, BCĐ liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra cho thấy, BCĐ các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo về ATTP và tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác ATTP, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các địa phương đều có phương án ứng phó với các tình huống xảy ra ngộ độc thực phẩm; thành lập đội điều tra ngộ độc thực phẩm cấp huyện. Tuy nhiên, thực tế khi có vụ việc xảy ra, đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm ở một số địa phương còn lúng túng trong tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm liên quan, lấy mẫu phục vụ điều tra ngộ độc thực phẩm. Công tác kiểm tra ATTP được triển khai từ tuyến huyện đến tuyến xã, nhưng tỷ lệ cơ sở được kiểm tra còn ít; chủ yếu các đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập trong các đợt cao điểm, như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu. Các đoàn kiểm tra tuyến huyện, tuyến xã chưa kiên quyết xử lý cơ sở có hành vi vi phạm về ATTP, chủ yếu chỉ cảnh cáo, nhắc nhở nên chưa có tính răn đe. Công tác tuyên truyền, truyền thông, tập huấn về ATTP được các địa phương tổ chức nhưng chỉ tập trung trong các đợt cao điểm; chưa chủ động tổ chức các lớp tập huấn kiến thức ATTP cho các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý. Nhân lực làm công tác ATTP tại các tuyến còn mỏng, đặc biệt là cán bộ tuyến huyện và tuyến xã; cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc nhưng phải quản lý số lượng lớn cơ sở trên địa bàn nên gặp nhiều khó khăn và bị động trong triển khai hoạt động kiểm tra, hậu kiểm, phòng ngừa về ATTP...
Ông Võ Hồng Vân - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Kinh doanh dịch vụ ăn uống có nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn phân biệt các hình thức kinh doanh cụ thể. Do đó, việc áp dụng chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn đối với các hình thức kinh doanh dịch vụ ăn uống gặp khó khăn. Cùng với đó, nhiều nhóm sản phẩm thực phẩm của ngành nông nghiệp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định các chỉ tiêu về chất lượng và mức giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu an toàn, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong quá trình kiểm soát chất lượng hàng hóa”…
Kiến nghị nhiều nội dung
Tại buổi làm việc, BCĐ liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh kiến nghị, Chính phủ cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành; thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý trong công tác này. Đồng thời, tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATTP; có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ này. Cùng với đó, cần sớm sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có nội dung chưa phù hợp với thực tế. Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiến nghị: “Trung ương nên có quy định cứng, chung đối với việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết đảm bảo ATTP cho tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến mà 3 ngành: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quản lý để có sự thống nhất trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và xử phạt”…
Kết luận buổi làm việc, bà Trần Việt Nga giải đáp một số thắc mắc và ghi nhận các kiến nghị của BCĐ liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh. Đồng thời đề nghị, BCĐ các cấp của tỉnh cần đẩy mạnh việc hậu kiểm, nhất là đối với hồ sơ tự công bố sản phẩm của các cơ sở; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức lại các lớp tập huấn về việc lấy mẫu để xét nghiệm. Cùng với đó, các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh về việc nói không với thức ăn đường phố không rõ nguồn gốc…
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức 39 buổi nói chuyện, hội thảo tuyên truyền kiến thức ATTP với hơn 2.760 người tham gia; mở 2 lớp tập huấn cho 240 người; thực hiện gần 700 tin phát trên loa phát thanh, đài truyền thanh; thực hiện tuyên truyền trực quan và lưu động bằng nhiều hình thức.
C.ĐAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin