20:50, 24/04/2024

Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phục hồi hệ sinh thái vịnh Nha Trang

CHÍ TRUNG (Thực hiện)

Để thực hiện tốt Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, trước hết cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Nha Trang; đồng thời triển khai các giải pháp căn cơ, hiệu quả.

* Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học:

Xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch

<br>
 

Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 được UBND tỉnh triển khai bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Nha Trang. Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc bảo tồn, phục hồi vịnh Nha Trang cần có nguồn tài chính bền vững cho hoạt động bảo tồn; các doanh nghiệp được hưởng lợi từ hoạt động du lịch ở vịnh Nha Trang cần phải có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ các vùng biển quanh các đảo như: Trí Nguyên, Hòn Tằm, Hòn Tre…; đồng thời cần khảo sát, thiết lập các rạn nhân tạo để giảm tải áp lực cho các điểm lặn tự nhiên ở vịnh Nha Trang. Lãnh đạo tỉnh nên giao cho một cơ quan làm đầu mối điều phối hoạt động phục hồi sinh thái trong vịnh Nha Trang của các doanh nghiệp và cơ quan khoa học.

Đối với việc nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè ở vịnh Nha Trang, để vừa giải quyết vấn đề môi trường biển, vừa tạo được sinh kế lâu dài cho người dân cần phải vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi thành mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch. Theo đó, mỗi khu vực nuôi trồng thủy sản được thực hiện một cách bài bản để trở thành một điểm du lịch. Phương pháp nuôi trồng thủy sản phải được thực hiện theo hướng thân thiện với môi trường, từ thức ăn đến quản lý các chất thải phát sinh. 

* Tiến sĩ Manuel Gonzalez Rivero - Trưởng nhóm Giám sát và phục hồi san hô, Viện Khoa học biển Australia (AIMS):

Hạn chế khai thác thủy sản, ngăn chặn trầm tích phát thải từ trên đất liền xuống vịnh

<br>
 

Thông qua khóa tập huấn của Viện Khoa học biển Australia, chuyên gia AIMS đã hướng dẫn cho các nhà khoa học và cán bộ các khu bảo tồn biển Việt Nam nâng cao năng lực, kỹ năng giám sát và quản lý rạn san hô bằng cách ứng dụng công nghệ mới ReefCloud và thiết bị ReefScan.

Công nghệ ReefScan là hệ thống camera tự động có độ phân giải cao giúp thu thập hình ảnh chất lượng cao của nhiều diện tích rạn san hô chỉ trong một giờ. Công nghệ này giúp các nhà khoa học Việt Nam có thể thu thập hình ảnh, nắm thông tin về tình trạng của các rạn san hô. Còn thiết bị ReefCloud là nền tảng kỹ thuật số sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập và phân tích hình ảnh nhanh gấp 700 lần so với cách thường dùng trước đây, giúp tổng hợp những kiến thức khoa học để phục vụ việc bảo tồn các rạn san hô nhanh và hiệu quả hơn.

Để bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái rạn san hô, trước hết cần hạn chế khai thác thủy sản, vì việc khai thác thủy sản quá mức sẽ tác động trực tiếp tới rạn san hô. Cùng với đó, cần ngăn chặn các nguồn dinh dưỡng, trầm tích phát thải từ trên đất liền xuống vịnh Nha Trang ảnh hưởng đến san hô; giảm thiểu phát thải carbon vào không khí, vì đây là nguồn chính gây biến đổi khí hậu, tác động phá hủy các rạn san hô trong tương lai.

* Ông Trương Đình Vịnh - người dân Tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang):

Cần nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường

<br>
 

Tổ dân phố Bích Đầm ở gần khu vực biển Hòn Mun, có 228 hộ dân sinh sống với khoảng 880 nhân khẩu. Người dân Bích Đầm chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản, đan lưới, một số lao động tự do. Ở khu vực này còn khoảng 50 ô lồng nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi cá. Những năm qua, nguồn lợi thủy sản gần bờ giảm đi nhiều, việc nuôi trồng thủy sản không hiệu quả. Rác thải ở khu vực Bích Đầm do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang thu gom đưa vào bờ để xử lý hàng ngày. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân bỏ rác thải nhựa sử dụng một lần chưa đúng nơi quy định; nước thải từ quá trình chế biến thủy sản vẫn chảy ra môi trường…

Để bảo vệ môi trường ở Bích Đầm nói riêng và vịnh Nha Trang nói chung, cơ quan nhà nước cần tăng cường tuyên truyền để từng bước nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường; khuyến khích người dân hạn chế sử dụng rác thải nhựa, chuyển qua các vật dụng thân thiện với môi trường; nước, rác thải cần có phương pháp thu gom, xử lý một cách triệt để hơn; đồng thời phát triển thêm các mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. 

CHÍ TRUNG (Thực hiện)