Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã từng bước sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc đơn vị quản lý. Việc sắp xếp được thực hiện theo hướng mở và linh hoạt, đồng bộ, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, tinh gọn bộ máy, tận dụng cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động và sự phát triển của tỉnh.
Tinh gọn, nâng cao chất lượng đào tạo
Trường Trung cấp Nghề Cam Ranh và Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm đều là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, có nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho tỉnh nói chung, khu vực phía nam tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, 2 cơ sở đóng trên 2 địa phương giáp ranh nhau có những bất cập như: Trùng lặp về hoạt động tuyển sinh; nguồn lực đầu tư dàn trải; chưa phát huy điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đã được đầu tư; chất lượng đào tạo chưa đồng đều; việc lựa chọn nghề đào tạo chưa phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các nghề trọng điểm chưa được đẩy mạnh. Do đó, Sở LĐ-TB-XH đã rà soát, nghiên cứu, đánh giá lại hoạt động và đề xuất UBND tỉnh sắp xếp, tinh gọn theo hướng hợp nhất 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành Trường Trung cấp Du lịch - Kỹ thuật Cam Ranh vào đầu năm 2024.
Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. |
Ông Lê Viên Ngọc Bàng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch - Kỹ thuật Cam Ranh cho biết, trường đang đào tạo 9 ngành nghề với 456 học sinh hệ trung cấp và 460 học sinh hệ giáo dục thường xuyên. Việc sắp xếp 2 trường thành 1 trường có tính toàn diện, bao quát, không còn tình trạng trùng lặp ngành nghề đào tạo, chồng lấn, cạnh tranh trong tư vấn, tuyển sinh; công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo thuận lợi và dễ dàng hơn; tinh gọn được tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, nhân viên. Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo dàn trải, thiếu tập trung, thừa thiếu cục bộ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn ngành nghề đào tạo thích hợp trên địa bàn mà không phải đi xa.
Được biết, trong năm 2024, nhà trường mở thêm 4 mã ngành, gồm: Xây dựng; Điện công nghiệp; Kế toán doanh nghiệp; Công nghệ thông tin. Nhà trường từng bước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác dạy thực hành; mở rộng liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, tuyển dụng; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; liên kết, kêu gọi các chuyên gia, nghệ nhân, kỹ sư có tay nghề cao tham gia giảng dạy; tăng cường công tác chuyển đổi số trong hoạt động. Qua đó, thực hiện mục tiêu đào tạo 11 nghề trình độ trung cấp và 10 nghề trình độ sơ cấp; quy mô đào tạo 1.710 người/năm, trong đó đào tạo trình độ trung cấp cho 990 học sinh, sơ cấp 720 học viên. Ngoài ra, hàng năm, trường thực hiện tuyển sinh hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT cho 700 học sinh.
Sẽ tiếp tục sắp xếp, hợp nhất các trường
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, thời gian tới, sở tiếp tục thực hiện hợp nhất Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa và Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh; tổ chức, sắp xếp lại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh. Việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của các cơ sở. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và chất lượng, hiệu quả đào tạo, cơ cấu ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý; sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao các quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập Trường Trung cấp Du lịch - Kỹ thuật Cam Ranh. |
Sở LĐ-TB-XH sẽ chú trọng thực hiện giải pháp xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp song hành với học văn hóa chương trình THPT; chuyển cơ chế cấp kinh phí theo dự toán cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo. Cùng với đó, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; xây dựng và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và yêu cầu của thị trường lao động; đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo có đủ thiết bị theo danh mục tối thiểu quy định. Đồng thời, liên kết đào tạo giữa các trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh với các cơ sở đào tạo nghề của các nước phát triển để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động có tay nghề; phát triển và nhân rộng mô hình đào tạo chương trình nghề trọng điểm quốc tế do Đức, Úc chuyển giao…
Ông TẠ HỒNG QUANG - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH: Giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh sẽ tổ chức lại các trường trung cấp công lập để hình thành các trường cao đẳng đa ngành ở các vùng kinh tế động lực của tỉnh, chỉ giữ lại các trường trung cấp dân tộc nội trú ở các huyện miền núi; thực hiện tự chủ hoàn toàn các trường cao đẳng và trung cấp (trừ các trường trung cấp dân tộc nội trú). Đến năm 2030, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phân bố trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố, trong đó các địa phương đồng bằng đều có trường hoặc cơ sở đào tạo của trường cao đẳng; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường cao đẳng, trung cấp công lập đạt chuẩn theo quy định. Đồng thời, tiếp tục đầu tư trang thiết bị đào tạo các nghề mũi nhọn phục vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn vốn vay ưu đãi ODA.
VĂN GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin