Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.
Tràn lan cắm cọc nuôi vẹm
Mới đây, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của người dân ở các địa phương ven đầm Nha Phu về tình trạng trong đầm bị rất nhiều người tranh nhau cắm cọc để nuôi vẹm xanh, vẹm đất gây xung đột với các nghề khai thác thủy sản của người dân ven đầm. Theo ghe làm nghề thả lưới của người dân thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) đến khu vực Hòn Nưa và khu vực biển thôn Tân Đảo (xã Ninh Ích), phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi thấy chi chít những cọc cắm trong đầm. Ngư dân Nguyễn Văn Thương (thôn Ngọc Diêm) cho hay: “Những bãi cọc này là của người dân xã Ninh Ích và các xã ven đầm Nha Phu cắm xuống, giăng dây nhử vẹm xanh, vẹm đất tự nhiên bám vào để phát triển tự nhiên biển và thu bán làm thức ăn cho tôm hùm. Khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng cắm cọc nuôi vẹm ngày càng nhiều, ai tranh được vùng mặt nước nào thì cắm, không chỉ gây mất trật tự, ảnh hưởng lớn đến luồng lạch trên đầm mà còn gây xung đột giữa các hộ nuôi”.
Người dân thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích) chuẩn bị cọc để mang ra đầm Nha Phu cắm, giăng dây nuôi vẹm. |
Nhiều người dân thôn Ngọc Diêm cho hay, sở dĩ người dân tranh nhau cắm cọc nuôi vẹm là do thu nhập từ nghề này khá cao. Mỗi hộ nuôi chỉ cần đầu tư khoảng 70 triệu đồng, cắm khoảng 100 cọc, giăng dây trên diện tích 5.400m2 mặt nước, sau khoảng 10 tháng có thể thu được chừng 25 tấn vẹm, bán với giá 9.000 - 10.000 đồng/kg, có thể thu lợi được 150 - 180 triệu đồng. Hiện nay, diện tích người dân cắm cọc nuôi vẹm trên đầm Nha Phu ngày càng tăng. Chỉ riêng tại xã Ninh Ích, tháng 10-2023, toàn xã chỉ có 40 hộ cắm cọc nuôi vẹm với khoảng 40ha mặt nước; đến nay đã lên khoảng 100 hộ trong và ngoài xã với tổng diện tích khoảng 150ha.
Tại các địa phương ven đầm Thủy Triều như: Cam Thành Bắc, Cam Đức, Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, Cam Hòa (huyện Cam Lâm) có tổng cộng 280 hộ nuôi, với tổng diện tích hơn 350ha. Tại vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong, qua kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 2 năm gần đây, tình trạng người dân phát triển tự phát nuôi vẹm xanh, vẹm đất trái quy định, ngoài quy hoạch cũng xuất hiện nhiều. Việc người dân tự ý cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm gây cản trở giao thông đường thủy, mất mỹ quan trong khu vực và gây xung đột với các nghề biển khác.
Cọc được cắm kín một góc đầm Nha Phu để nuôi vẹm. |
Vận động người dân tháo dỡ
Ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: “Đứng trước thực trạng nêu trên, UBND xã Ninh Ích đã thông báo đến người dân không được tiếp tục cắm cọc nuôi vẹm trên đầm Nha Phu. Địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu vực nuôi vẹm xanh, vẹm đất để vận động người dân tháo dỡ…”.
Còn tại huyện Cam Lâm, UBND huyện đã yêu cầu các địa phương ven đầm Thủy Triều tuyên truyền, vận động người dân không phát sinh nuôi mới; tiến hành kiểm tra thực trạng nuôi vẹm đất trên địa bàn, lập biên bản ghi nhận hiện trạng, xác định rõ số hộ nuôi, vị trí nuôi, diện tích nuôi; yêu cầu người nuôi phải tự tháo dỡ, không tái nuôi sau khi thu hoạch, thu hẹp dần diện tích vùng nuôi vẹm đất cho đến khi trở thành “vùng trắng”. Tại huyện Vạn Ninh, để tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực NTTS, nhất là khu vực ven bờ, các địa phương như: Vạn Hưng, Vạn Lương, Vạn Thắng và thị trấn Vạn Giã đã triển khai nhiều đợt xử lý tình trạng nuôi thủy sản không đúng khu vực quy định, vận động người dân tháo dỡ…
Để xử lý tình trạng NTTS không đúng quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân không phát triển NTTS tự phát, ngoài quy hoạch, không riêng việc cắm cọc, giăng dây để nuôi vẹm xanh, vẹm đất mà cả nuôi thủy sản bằng lồng bè trên biển; tuyệt đối không để phát sinh các trường hợp nuôi mới ngoài quy hoạch. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, chấn chỉnh tình trạng NTTS tràn lan, mật độ cao, không theo quy hoạch, ô nhiễm môi trường, cản trở tàu thuyền lưu thông; cần cưỡng chế, thu dọn các cọc, dây, phao nuôi vẹm ven bờ…
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin