21:38, 13/03/2024

Kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang

THÁI THỊNH

Trong quá trình đô thị hóa, cùng với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn xả thải chảy ra biển đã tác động đến chất lượng nước vịnh Nha Trang. Do đó, những năm qua, việc kiểm soát nguồn xả thải được lãnh đạo tỉnh, thành phố rất quan tâm, góp phần quan trọng trong quá trình quản lý môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững, phục hồi hệ sinh thái vịnh Nha Trang.

Những nguồn xả thải tác động đến vịnh Nha Trang

Theo kết quả nghiên cứu của các đơn vị tư vấn cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), hiện nay, chất lượng nước vùng ven bờ vịnh Nha Trang chịu ảnh hưởng chủ yếu từ sông Cái, sông Tắc, sông Quán Trường và các nguồn nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp vào vịnh như: Hệ thống cống thải sinh hoạt thành phố, các khách sạn lớn và trung tâm du lịch nghỉ dưỡng… Hiện nay, để bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang, các dự án trên địa bàn thành phố đã đầu tư hệ thống thu gom, trạm bơm và bơm chuyển nước thải về tuyến cống đường 2-4, chảy qua cống hộp, dẫn về Nhà máy xử lý nước thải phía bắc để xử lý. Tuy nhiên, thời gian qua, khu vực cửa xả Hòn Một và Đặng Tất (khu vực Hòn Chồng) phát sinh nước thải là do tại lưu vực thoát nước ở các cửa xả này, Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang đã lắp đặt tuyến cống cấp 3 đấu nối nước thải, nhưng Nhà máy xử lý nước thải phía bắc chưa xây dựng xong (dự kiến hoàn thành vào quý I/2024) nên nước thải chưa được đấu nối đồng bộ để thu gom, xử lý; do đó vào thời điểm mưa lớn vẫn còn tình trạng nước thải lẫn nước mưa tràn ra biển do vượt quá khả năng thu gom, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển.

Khu vực cửa xả Đặng Tất (đường Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang) đã  xư lý tình trạng nước thải chảy ra biển.
Khu vực cửa xả Đặng Tất (đường Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang) đã xử lý tình trạng nước thải chảy ra biển.

Mới đây, vào 9 giờ ngày 22-2, tại trạm bơm Đặng Tất (khu vực Hòn Chồng) đã xảy ra sự cố nước thải chảy ra biển trong 30 phút. Bà Nguyễn Thị Hồng Sâm - Giám đốc Ban Quản lý Dịch vụ công ích TP. Nha Trang cho biết, vào thời điểm trên, hệ thống điện của máy bơm tự động tại trạm bơm Đặng Tất bị lỗi, dẫn đến có lượng nhỏ nước thải bị rò rỉ qua cửa xả và thoát ra ngoài. Ban Quản lý đã cài đặt lại hệ thống điện của trạm bơm Đặng Tất và tiến hành lấp cát xung quanh cửa xả Đặng Tất, không cho nước thải chảy ra biển. Trước đó, vào tháng 11-2023, cũng xảy ra sự cố nước bẩn chảy ra biển ở cửa xả Hòn Một. Ngay sau đó, Ban Quản lý Dịch vụ công ích thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý, không để tái diễn tình trạng nước thải chảy ra biển ở khu vực trên. Đồng thời, thành phố cũng giao Phòng TN-MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về môi trường và đấu nối nước thải của các nhà hàng, khách sạn sát biển khu vực Hòn Chồng.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh, nguồn nước đổ vào vịnh Nha Trang chủ yếu từ sông Cái Nha Trang; tổng lượng nước trung bình nhiều năm đạt khoảng 2,02 tỷ m3/năm. Tại một số khu đô thị, khu dân cư tập trung ven biển tại TP. Nha Trang vẫn còn tình trạng nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn xả ra biển. Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng làm tăng đáng kể lượng chất thải, chủ yếu là thức ăn từ các lồng, bè... đã làm ảnh hưởng đến môi trường. Sông Cái Nha Trang đang đối diện với nhiều nguồn thải ô nhiễm, nhất là khu vực mương nước thải ở thôn Xuân Ngọc (xã Vĩnh Ngọc) và khu vực sông Kim Bồng. 

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Lê Đại Dương - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, để kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang hiện nay, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường thường xuyên kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng có liên quan đến vịnh Nha Trang; kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh không được xả nước thải chưa qua xử lý xuống biển; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc không xả rác thải xuống biển làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang. Đối với các khu vực ngoài địa giới hành chính TP. Nha Trang nơi có thượng nguồn sông Cái, sông Tắc, sông Quán Trường đi qua, UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan thường xuyên kiểm tra, đề xuất các giải pháp xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản, san lấp mặt bằng, xả thải trái phép, bảo vệ rừng đầu nguồn... làm ảnh hưởng lớn đến môi trường nước sông, gây hại cho môi trường, hệ sinh thái vịnh Nha Trang. 

Ông Đàm Hải Vân - Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, vừa qua, Ban Quản lý cũng đã đề xuất thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường có các sông chảy qua địa bàn tổ chức xây dựng phương án, thực hiện trồng mới và chăm sóc, bảo vệ, gìn giữ các khu vực rừng ngập mặn ven sông. Đây là một trong những giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ môi trường nước, góp phần giữ gìn môi trường, hệ sinh thái vịnh Nha Trang.

Theo lãnh đạo Sở TN-MT, ngày 7-11-2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3028 về Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang (thời gian thực hiện từ tháng 10-2022 đến tháng 10-2025). Nhiệm vụ này sẽ tập trung vào điều tra, thống kê và lập bản đồ vị trí các nguồn xả thải (nước thải, chất thải rắn) vào vịnh Nha Trang; lập danh mục các nguồn phát sinh (nước thải, chất thải rắn), quy mô thải, thải lượng và mức độ xử lý trước khi xả ra môi trường; đề xuất các giải pháp kiểm soát nguồn thải. Nhiệm vụ có tính bền vững, trên cơ sở bộ số liệu về hiện trạng xả nước thải vào vịnh Nha Trang sẽ được cập nhật, bổ sung định kỳ để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, các kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ là cơ sở cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân thuộc khu vực nghiên cứu và khách du lịch; nâng cao ý thức của cộng đồng về khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang; tuyên truyền cho việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường và làm cơ sở cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về xả thải của các cơ quan quản lý. Hiện nay, Sở TN-MT đã mời các đơn vị tư vấn tham gia hoàn thiện đề cương nhiệm vụ, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt để triển khai thực hiện. 

THÁI THỊNH