21:51, 26/03/2024

Khánh Sơn: Chủ động chống hạn cho cây trồng

Hiện nay, mực nước nhiều sông, suối chính trên địa bàn huyện Khánh Sơn bắt đầu xuống thấp; nguy cơ thiếu nước tưới đang hiện diện khắp các vùng trồng cây ăn quả ở địa phương này. Để chủ động chống hạn cho cây trồng, UBND huyện đã yêu cầu các địa phương triển khai ngay kế hoạch ứng phó. 

Lo thiếu nước tưới

Hiện nay, Khánh Sơn đã bước vào đầu mùa khô, nhiều nhà vườn trồng cây ăn quả trên địa bàn đã tranh thủ lắp đặt máy bơm tưới cho cây trồng. Ông Cao Cường (xã Thành Sơn) cho biết: “Gia đình tôi có 1ha sầu riêng trên đồi cao đang độ ra hoa. Những ngày qua, tôi phải mua ống nước, bơm chuyền nhiều chặng để tưới cho diện tích sầu riêng này. Tôi rất lo năm nay sẽ khô hạn hơn năm trước, khi ấy năng suất, sản lượng sầu riêng sẽ sụt giảm hơn so với mọi năm”.

Nhà vườn ở xã Sơn Bình áp dụng tưới tiết kiệm nước
Nhà vườn ở xã Sơn Bình áp dụng hình thức tưới tiết kiệm nước.

Nhiều nhà nông ở xã Sơn Bình cũng hết sức lo lắng khi mùa khô năm nay được dự báo gay gắt hơn. Xã Sơn Bình có đến 490ha sầu riêng, 8ha măng cụt, 68ha bưởi da xanh và nhiều diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp khác đang đối diện với nguy cơ thiếu nước tưới. Trên địa bàn xã tuy có một số công trình thủy lợi, đập dâng nhưng khả năng tích nước thấp; trong khi nguồn nước sông Tô Hạp và các suối đang thấp dần. Trong khoảng 1 tháng tới, toàn xã chỉ có 250ha sản xuất nông nghiệp chủ động được nước tưới, còn 200ha phải bơm tưới chống hạn, có 80ha cây trồng ở xa nguồn nước sẽ thiếu nước tưới.

Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, dự báo năm nay trên địa bàn huyện tình trạng nắng nóng xảy ra sớm hơn so với trung bình nhiều năm; từ tháng 5 trở đi bắt đầu xuất hiện nắng nóng gay gắt, trên diện rộng. Vào mùa khô, nguồn nước tưới của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sông Tô Hạp, các đập dâng tích nước và các suối nhỏ, nhưng nguồn nước này đã bắt đầu cạn dần, càng khô kiệt vào cao điểm mùa khô, sẽ gây nên tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng, nhất là các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao đang trong giai đoạn ra bông, nuôi trái, năng suất, sản lượng các cây trồng chủ lực của huyện, nhất là sầu riêng sẽ bị ảnh hưởng. Từ khoảng tháng 4, nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn sẽ bắt đầu thiếu nước tưới, nhất là các khu vực: Suối Me, Ka Tơ (xã Ba Cụm Nam); Cam Khánh, Du Oai, Ha Nít (xã Sơn Lâm); Xà Bói, Tà Gụ, Liên Hiệp (xã Sơn Hiệp); A Thi, Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc); Tà Nỉa, Chi Chay, Ma O (xã Sơn Trung); Cô Lắc, Xóm Cỏ (xã Sơn Bình)… Ngoài ra, những diện tích cây trồng trên các khu vực đồi cao, xa nguồn nước ở toàn bộ các xã, thị trấn tại Khánh Sơn cũng thường trực nỗi lo hạn hán, thiếu nước tưới trầm trọng trong cao điểm mùa khô.

Triển khai phương án chống hạn

Để chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, ngay từ đầu năm, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai các biện pháp ứng phó. Theo đó, các địa phương đã triển khai việc kiểm kê nguồn nước, khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ hạn hán, thiếu nước để điều hành, phân phối nước tưới phù hợp cho các vùng bị ảnh hưởng; tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp tích nước, tưới tiết kiệm. Đến nay, ở nhiều địa phương như: Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Lâm, Ba Cụm Bắc, Sơn Trung… đã có hơn 70 - 80% nhà vườn áp dụng hình thức tưới tiết kiệm nước.

Ông Nguyễn Quốc Đông cho biết, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, yêu cầu các địa phương tập trung tối đa nguồn lực để phòng, chống hạn, thiếu nước tưới cho cây trồng; chủ động nắm bắt tình hình thời tiết để ứng phó với nắng hạn, thiếu nước, đảm bảo sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đối với nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, các địa phương phải chủ động theo phương án “cao, xa nguồn nước tưới trước; thấp, gần nguồn nước tưới sau” để tiết kiệm nước, hạn chế hao hụt. Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện ngay các biện pháp quản lý vận hành công trình cấp nước hiệu quả; tổ chức nạo vét các đập dâng, hệ thống kênh mương để tích nước, khơi thông dòng chảy; lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động nước tưới. Khi xảy ra hạn hán, thiếu hụt nước, phải ưu tiên cấp nước đủ cho sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Những hộ canh tác ở khu vực đồi núi cao, xa nguồn nước cần chủ động các biện pháp để cung cấp nước tưới, giảm thiểu ảnh hưởng đến cây trồng…

Theo thống kê của UBND huyện Khánh Sơn, năm nay, trên địa bàn huyện có 2.300ha sầu riêng, 339ha bưởi da xanh, 61ha chôm chôm, 27ha măng cụt, 255ha cà phê, 125ha mía tím và nhiều diện tích cây ăn quả khác như: Quýt, mít… Các loại cây này đang trong giai đoạn ra hoa, nuôi trái nên nhu cầu nước tưới rất lớn. Tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô năm nay sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng.

HẢI LĂNG