Không chỉ có các loại rau xanh cung cấp cho bữa ăn gia đình, mô hình “Vườn rau gia đình” do các cơ sở hội phụ nữ ở huyện Diên Khánh thực hiện còn góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường khi nhiều góc vườn được phát dọn sạch sẽ.
Những vườn rau xanh
Mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Diên Khánh phát động triển khai đến 19 cơ sở hội vào tháng 4-2018. Theo đó, hội đã mở lớp tập huấn, hướng dẫn trồng rau an toàn và trồng rau mầm đến cán bộ hội ở cơ sở. Để triển khai thực hiện, các cơ sở hội đã vận động các hộ gia đình tận dụng những góc vườn nhỏ, hàng rào, khoảng sân nhà, sân thượng, chậu hoa, thùng xốp… để trồng nhiều loại rau xanh. Sau khi triển khai thành công ở Chi hội Phú Lộc Tây (thị trấn Diên Khánh), hội đã chỉ đạo các cơ sở tập trung tuyên truyền nhân rộng mô hình này gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong đời sống hàng ngày. Gần 6 năm qua, mô hình vẫn được các chị em duy trì thực hiện hiệu quả; những vườn rau xanh với nhiều loại rau được chị em chăm chút kỹ lưỡng.
Trong khuôn viên nhà, bà Phạm Thị Thanh dành một khoảng đất để trồng rau. |
Không chỉ có rau sạch để ăn, bà Cúc cùng hàng xóm còn bán lấy tiền bỏ heo tiết kiệm. |
Bà Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1953, trú thôn Tây 1, xã Diên Sơn) cho biết, bà cùng 3 người hàng xóm trồng các loại rau trên mảnh vườn khoảng 100m2 để có rau sạch cung cấp cho bữa ăn hàng ngày. Trong vườn trồng nhiều loại rau như: Mồng tơi, rau dền, rau muống, xà lách, tía tô, mã đề, đậu cove… “Vườn rau này được chúng tôi trồng khoảng 3 năm nay. Mỗi người mỗi việc từ gieo hạt, làm cỏ, làm đất đến cắt rau bán. Từ ngày trồng rau, chúng tôi không chỉ có rau sạch để ăn mà còn có dư bán lấy tiền. Tiền bán được sẽ bỏ vào heo đất, đến cuối năm chia đều cho mỗi nhà”, bà Cúc nói. Trong khi đó, tận dụng khoảng đất trống chừng 20m2 trong khuôn viên nhà, bà Phạm Thị Thanh (sinh năm 1973, trú thôn Tây 1, xã Diên Sơn) trồng các loại rau cải, rau dền, tần ô, rau thơm, diếp cá… Bà Thanh chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi mua rau tôi rất lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Sau khi thực hiện mô hình, không chỉ gia đình tôi có rau sạch để dùng mà còn có dư để thỉnh thoảng mang cho hàng xóm”.
Hiệu quả thiết thực
Đến nay, mô hình đã được 4.752 hộ gia đình tại 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện. Theo kết quả thống kê của Hội LHPN huyện Diên Khánh, mỗi hộ đã có thể tự cung cấp được nguồn rau xanh cho gia đình từ 1 đến 3 ngày/tuần. Qua đó tiết kiệm chi phí từ 60.000 đến 100.000 đồng/tháng. Bà Đào Thị Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên Sơn cho biết, mô hình được các chị em duy trì hiệu quả, với những vườn rau xanh cung cấp cho bữa ăn của mỗi gia đình, qua đó tiết kiệm chi phí hàng ngày. Đặc biệt, mô hình này phát huy hiệu quả tốt trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, nhiều hộ gia đình đã chủ động được nguồn rau xanh tại chỗ, còn dư để gửi tặng các gia đình khác.
Bà Nguyễn Thị Ất trồng hẹ trong thùng xốp. |
Bà Võ Thị Trúc tưới nước cho vườn rau của gia đình mình. |
Bên cạnh đó, mô hình còn giúp phụ nữ có thêm thu nhập từ những vườn rau sạch. Bà Nguyễn Thị Ất (sinh năm 1949, trú thôn Tây 4, xã Diên Sơn) cho biết: “Tôi già rồi, không thể đi làm thuê được nên trồng rau vừa để ăn, vừa bán kiếm tiền. Không chỉ trồng rau má, diếp cá ở ruộng, tôi còn tận dụng các thùng xốp, chậu kiểng để trồng hẹ. Các loại rau tôi bán với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, giúp gia đình có thêm khoản tiền để mua thực phẩm hàng ngày”. Điều đáng nói là qua việc thực hiện mô hình “Vườn rau gia đình”, nhiều góc vườn đã được phát dọn sạch sẽ, đảm bảo môi trường sạch đẹp. Nhiều hộ còn tận dụng bờ mương, lề đường để cải tạo thành nơi trồng rau. Những bụi cỏ, những nơi chứa vật liệu phế thải, những hàng rào đã trở thành những mảng màu xanh ngát của các loại rau. Bà Võ Thị Trúc (sinh năm 1957, trú thôn 2, xã Diên Phú) cho biết, không chỉ trồng rau mồng tơi trong mảnh vườn nhỏ của gia đình, bà còn cải tạo những khoảng đất trống hai bên đường để trồng rau dền đỏ, rau nhớt, rau cải… để có rau bán và tạo cảnh quan môi trường đẹp, sạch sẽ. Nhờ đó, mỗi tháng bà kiếm thêm được 2 - 3 triệu đồng từ tiền bán rau.
Bà Phạm Thị Hòa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Diên Khánh cho biết, để mô hình lan tỏa rộng khắp hiệu quả, được đông đảo hội viên tham gia là cả sự nỗ lực của các cấp hội. Một số cơ sở hội còn hỗ trợ hạt giống cho hội viên. Các hội viên chia sẻ cây giống, kinh nghiệm chăm sóc rau cho nhau. Từ mô hình “Vườn rau gia đình”, việc vận động hội viên giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng thực phẩm an toàn thuận lợi hơn rất nhiều. Trong thời gian tới, hội tiếp tục phát triển rộng mô hình này cùng các mô hình về bảo vệ môi trường, để góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
CHÂU TƯỜNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin