TP. Nha Trang là trung tâm du lịch biển mang đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, để thực sự trở thành nơi đáng sống, phát triển lên một tầm cao hơn, thành phố vẫn còn nhiều điều phải làm. Đây cũng chính là trăn trở của các nhà khoa học, chuyên gia cho vùng đất này.
* Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam:
Kết hợp giữa đô thị và không gian biển - đảo
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi. |
Biển luôn đem đến cơ hội và thách thức đan xen. Vì vậy, Nha Trang muốn phát triển phải làm thế nào để khắc chế các thách thức, phát huy cơ hội. Giá trị của biển đã gắn liền với sự phát triển của Nha Trang, nhưng vẫn cần phải nhìn nhận lại mặt nhận thức về định hướng phát triển về biển để tạo thành một thể thống nhất. Để Nha Trang phát triển xứng tầm, trong quá trình điều chỉnh, mở rộng không gian đô thị cần chú ý kết nối hợp lý các mảng không gian đô thị ven biển hiện tại với không gian biển - đảo ở phía đông và không gian sông - núi ở phía tây. Đồng thời, thành phố phải ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển trên cơ sở phát huy các thế mạnh và lợi thế vốn có về thiên nhiên, văn hóa và con người của vùng biển, đảo Nha Trang theo hướng hiệu quả và bền vững; bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ, đặc biệt là bảo tồn các giá trị di sản trong vịnh Nha Trang với việc phát triển kinh tế bảo tồn, thân thiện với môi trường như: Du lịch biển - đảo bền vững, phát triển nuôi trồng bền vững ở vùng đệm gắn với cải thiện sinh kế cộng đồng dân cư sống trong và lân cận Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang.
* Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:
Phát triển Nha Trang dựa trên định hướng phát triển của hệ thống giao thông công cộng
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. |
Thời gian tới, Nha Trang phải phát triển đô thị dựa trên định hướng phát triển của hệ thống giao thông công cộng (Transit Oriented Development - TOD). Cụ thể, Nha Trang phải xây dựng các trục TOD theo hướng Đông - Tây với tầm nhìn thoáng mở rộng về phía sông; tập trung nguồn lực để phát triển tuyến đô thị metro chiến lược TOD quan trọng hàng đầu tương lai theo trục đường Võ Nguyên Giáp. Bên cạnh đó, Nha Trang cũng phải tính đến phát triển TOD dọc theo 2 bờ sông Cái… Đồng thời, cần lập định hướng chiến lược và quy định quản lý cho việc phối hợp phát triển không gian ngầm kết nối các công trình cao tầng và công trình hạ tầng trong khu trung tâm mới (sân bay Nha Trang cũ) của thành phố; tận dụng hạ tầng tuyến đường sắt và nhà ga cũ (khi có đường sắt mới) để góp phần giải quyết giao thông đô thị.
Để hướng đến phát triển bền vững, Nha Trang cần vận động Trung ương có cơ chế đặc thù cho phát triển thành phố; hướng đến thành lập tập đoàn TOD bằng cách phối hợp các đơn vị đa ngành công lập và tư nhân để lập kế hoạch thực hiện quy hoạch đô thị theo tư duy kinh tế thị trường, thu hút được nguồn vốn đầu tư xã hội trong nước và nước ngoài, tạo được nguồn thu ngân sách tái đầu tư. Hiện nay, quy hoạch ở 2 bên trục đường Võ Nguyên Giáp chỉ có công trình xây dựng cao 4 tầng, nhưng để phát triển được, quy hoạch ở trục TOD Võ Nguyên Giáp, các công trình xây dựng phải cao từ 20 đến 40 tầng, thậm chí cao hơn. Với quy hoạch này, nhà đầu tư sẵn sàng tham gia đầu tư, người dân được đền bù xứng đáng thì sẽ đồng thuận trong việc di dời.
* Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội:
Nha Trang phải lấy văn hóa làm đầu
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức. |
Có thể thấy, điểm mạnh nhất của Nha Trang chính là văn hóa, còn các tiềm năng khác dù quan trọng nhưng vẫn xếp sau và thực ra những tiềm năng đó nhiều địa phương khác cũng có. Ở Nha Trang, con người và thiên nhiên luôn có sự hài hòa với nhau. Chính vì vậy, để Nha Trang phồn vinh, hạnh phúc thì phải làm thế nào cho người ở lại yêu thành phố này, người ra đi phải trăn trở để quay về. Trong phát triển luôn lấy văn hóa, con người đặt lên hàng đầu. Thành phố muốn phát triển du lịch ở tầm đẳng cấp, điều đầu tiên là phải làm sao để người dân hài lòng với nơi họ đang sống.
Chúng ta phải đặt ra câu hỏi, tại sao một người ở tận phương Tây như bác sĩ A.Yersin đã gắn bó cả cuộc đời mình với Nha Trang - Khánh Hòa và khi mất ông muốn được chôn ở Suối Dầu để vĩnh viễn được ở lại mảnh đất này. Đây chính là khía cạnh cần phải được nghiên cứu và khai thác để thu hút nguồn nhân lực ở các nơi về sinh sống và xây dựng Nha Trang phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Chúng ta nhìn lại hàng nghìn năm quá khứ để hình dung sự hình thành và phát triển Nha Trang thì cũng cần phải nghĩ về 100 năm sau cho mảnh đất này. Ở đó cần có sự trăn trở để giữ được những gì vốn có, phát triển một cách bài bản, tránh đi vào sai lầm của những địa phương khác. Nha Trang muốn phát triển như mong muốn thì phải lưu giữ được nét đẹp văn hóa của mình; bản thân thế hệ trẻ phải là người muốn ở lại và cống hiến trên mảnh đất quê hương.
Đ.LÂM - X.THÀNH - C.ĐỊNH (Ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin