Thời gian gần đây, số người chết vì bệnh dại, chủ yếu là do chó, mèo cắn tăng đột biến. Tại Khánh Hòa, mặc dù không có người tử vong do bệnh dại song UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân, nhất là những gia đình có nuôi chó, mèo nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống bệnh dại.
18 người tử vong do bệnh dại ở 14 địa phương
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, đã có 18 người tử vong do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023; số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Từ đầu năm đến nay, xảy ra 17 ổ bệnh dại trên động vật tại 12 tỉnh, thành phố.
Cán bộ Thú y TP. Cam Ranh tiêm phòng bệnh dại cho chó. |
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh dại gia tăng là do các địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo, nhất là chưa thống kê chính xác số lượng chó, mèo; tình trạng chó thả rông còn phổ biến, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, trong khi việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó chưa đạt hiệu quả. Năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng dại bình quân cả nước chỉ đạt 53,7% trên tổng đàn chó. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như: Công tác thông tin, tuyên truyền về bệnh dại chưa thường xuyên, liên tục, chưa hiệu quả; nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại vẫn còn hạn chế; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó theo quy định; bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại còn hạn chế; hệ thống thú y cơ sở còn thiếu, chưa được tập huấn về chuyên môn thường xuyên.
Khánh Hòa có tỷ lệ tiêm phòng dại trên động vật cao
Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có người tử vong do bệnh dại. Thời điểm tháng 2-2024, toàn tỉnh có tổng đàn chó 53.000 con ở 32.000 hộ nuôi. Mỗi năm, tỉnh chi từ ngân sách nhà nước hơn 700 triệu đồng để hỗ trợ tiêm phòng dại cho chó, mèo. Điều này góp phần nâng tỷ lệ bình quân hàng năm có hơn 75% số chó, mèo được tiêm phòng dại, cao hơn đáng kể so với bình quân chung của cả nước (bình quân cả nước khoảng 50% tổng đàn chó, mèo được tiêm phòng dại) và là mức cần thiết để tiến tới thanh toán bệnh dại. “Năm 2024, theo kế hoạch, ngân sách nhà nước chi 1,2 tỷ đồng để hỗ trợ vắc xin và công tiêm phòng 10.600 liều để tiêm phòng dại cho chó, mèo. Trong số hơn 32.000 con chó, mèo thuộc diện chủ nuôi tự tiêm phòng, từ đầu năm đến nay, người dân đã tiêm phòng vắc xin phòng dại cho chó, mèo được 8.800 liều” - ông Lê Thắng cho biết thêm.
Từ tình hình bệnh dại có dấu hiệu gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18-3, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại, đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân. Trong đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, đặc biệt là chó, mèo cắn; tổ chức thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu hơn 80% tổng đàn chó, mèo trên từng địa bàn được tiêm phòng dại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Hiện nay, việc quản lý chó, mèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn. Theo quy định, chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh; chấp hành việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định… UBND cấp xã phải tiến hành lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại. Tuy nhiên, thực tế, việc chấp hành đăng ký nuôi chó, mèo của người dân và lập sổ quản lý chó, mèo với đầy đủ thông tin về chủ vật nuôi, vật nuôi, lịch sử tiêm phòng… vẫn còn rất hạn chế. Đây cũng là 2 nhiệm vụ chính mà UBND tỉnh giao cho các địa phương tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Ngày 21-3, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh dại ở người trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030. Một số mục tiêu chính của kế hoạch này là tất cả các huyện, thị xã, thành phố có điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại cho người; 100% số người tiêm vắc xin phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia; 90% số người bị phơi nhiễm với bệnh dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào mục tiêu thanh toán bệnh dại vào năm 2030.
Trong năm 2023, có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước; 674.888 người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022, trong đó 80% trường hợp là do chó cắn, 18% do mèo cắn, còn lại do các loại động vật khác cắn như: Khỉ, chuột, dơi...
HỒNG ĐĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin