20:05, 10/03/2024

Công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang: Khẩn trương giải phóng mặt bằng 

VĂN KỲ

Tuy tiến độ xây dựng đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang đang vượt so với kế hoạch đề ra nhưng công tác giải phóng mặt bằng để thi công vẫn còn một số vướng mắc. Các địa phương có công trình đi qua đang nỗ lực di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Di dời hạ tầng kỹ thuật còn chậm

Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 18 ngày 11-2-2022 triển khai Nghị quyết số 44 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, đến ngày 30-6-2023 phải bàn giao 100% mặt bằng Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang để thi công. Tuy nhiên, đến nay, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại dự án này đang rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ cũng như an toàn lao động trong quá trình thi công. Một số cầu đã thi công xong mố trụ, đúc xong dầm nhưng chưa lắp được dầm do vướng đường dây điện. Nhiều đoạn tuyến đã nhận mặt bằng nhưng chưa thể triển khai thi công hoặc thi công nửa chừng phải dừng lại do vướng hạ tầng kỹ thuật và không đảm bảo an toàn lưới điện khi thi công công trình. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là tại thị xã Ninh Hòa, một số đoạn đường đã đắp cao từ 1 đến 7m nhưng toàn bộ 42 công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đi qua địa phương này chưa thi công. Hiện nay, có khoảng 20 vị trí ảnh hưởng lớn không thể thi công được với tổng chiều dài khoảng 3,4km, trong đó có 7 vị trí ảnh hưởng rất lớn cần xử lý gấp (huyện Vạn Ninh có 4 vị trí và thị xã Ninh Hòa có 3 vị trí).

Hệ thống hạ tầng điện cao thế chưa thể di dời đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
Hệ thống hạ tầng điện cao thế chưa thể di dời đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang.

Ông Trần Đình Tuyên - Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra, chỉ đạo hồi tháng 9-2023, BQL Dự án 7 đã có 5 văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải, 3 lần báo cáo Tỉnh ủy, 4 lần làm việc trực tiếp với UBND tỉnh và có nhiều văn bản, cũng như làm việc hàng tuần với lãnh đạo các địa phương nhưng đến nay, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật vẫn còn rất chậm. Vì vậy, BQL đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh tập trung hoàn thành di dời 15 vị trí còn lại trước ngày 15-3. Đối với thị xã Ninh Hòa, lãnh đạo thị xã cần chỉ đạo nhà thầu thực hiện di dời phối hợp với nhà thầu thi công hỗ trợ lẫn nhau để có thể giữ nguyên phương án thi công của nhà thầu di dời theo hồ sơ đã được địa phương phê duyệt. Đối với các vị trí đã đắp đường cao hơn 2m, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu cần điều chỉnh giải pháp thi công phần kết cấu hạ tầng này bằng phương án khoan ngầm định hướng qua đường cao tốc để đảm bảo chất lượng công trình. Các nhà thầu thi công phải tập trung hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật tại thị xã Ninh Hòa trước ngày 30-4. Đối với công trình điện cao thế, các địa phương: Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh phải tập trung hoàn thành di dời trước ngày 31-5.

Quyết tâm hoàn thành giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang có gần 29km đi qua địa bàn 8 xã của địa phương với gần 2.000 thửa đất phải kiểm đếm, 772 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay, đã có 751/772 trường hợp được phê duyệt bồi thường, hỗ trợ với số tiền hơn 326,8 tỷ đồng. Đối với 21 trường hợp còn lại (gần 1,8 tỷ đồng), có 18 trường hợp vắng chủ tại xã Ninh Tân; 3 trường hợp tại các xã: Ninh An, Ninh Sơn, Ninh Thân có liên quan đến tranh chấp đất đai nên địa phương đã chuyển tiền vào kho bạc theo quy định. Thị xã đã bàn giao mặt bằng thông tuyến 100% của toàn dự án. Còn 2 trường hợp ở xã Ninh An mới bàn giao diện tích thi công đường công vụ; đang tiếp tục tháo dỡ, di dời tài sản để bàn giao phần diện tích còn lại. Đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, UBND thị xã Ninh Hòa đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu di dời hệ thống điện cao thế 220kV của Công ty Cổ phần Năng lượng Long Sơn, Công ty Truyền tải điện 3 và BQL Dự án Điện miền trung; đang lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công di dời hệ thống điện cao thế 110kV, trung thế, hạ thế và điện chiếu sáng.

Thi công công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
Thi công công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang.

Ông Võ Ngọc Minh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện nay, thị xã nỗ lực xử lý 2 trường hợp chưa bàn giao 100% mặt bằng, đồng thời xây dựng giá đất cụ thể và phê duyệt phương án bồi thường đối với phần diện tích bổ sung ranh giới giải phóng mặt bằng. UBND thị xã cũng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 4.

Trên công trường đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
Trên công trường đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, đến nay, huyện đã thực hiện xong công tác lựa chọn nhà thầu thi công di dời hạ tầng kỹ thuật. Các nhà thầu đang triển khai thi công di dời 8 vị trí còn lại của hệ thống điện 22kV và 0,4kV; di dời 4 vị trí còn lại của hệ thống viễn thông VNPT, Viettel, FPT; di dời các vị trí còn lại của hệ thống cấp nước. Đối với hệ thống điện cao thế 110kV, đơn vị thi công đang tập kết vật tư và thi công di dời đảm bảo đúng tiến độ được giao. Đối với hệ thống điện cao thế 220kV, UBND huyện đang thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang đi qua các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã bàn giao được 83/83,35km (đạt 96%). Các đơn vị nhà thầu đã bố trí 42 mũi thi công với 940 thiết bị và 1.900 nhân lực. Vì vậy, sản lượng đã thực hiện của công trình đã đạt 40%, trong đó khối lượng nền đạt 67%, móng đường đạt 30km, bê tông nhựa đạt 23km… Dự án được Bộ Giao thông vận tải đánh giá có kết quả thực hiện tốt nhất trong 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.

 VĂN KỲ