22:34, 20/02/2024

Khánh Sơn: Chủ động phòng, chống cháy rừng

HẢI LĂNG

Năm nay, mùa khô ở huyện miền núi Khánh Sơn đến sớm hơn. Trên cơ sở xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, địa phương đã chủ động triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng ngay khi mùa khô mới bắt đầu.

Nhiều khu vực có nguy cơ cháy cao

So với các địa phương khác trong tỉnh, mùa khô ở huyện miền núi Khánh Sơn thường đến sớm. Năm nay, mùa khô ở địa phương này đến sớm hơn mọi năm. Do đó, ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, bên cạnh công tác chống khai thác lâm sản trái phép, nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị chủ rừng nhà nước, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện là tập trung cho công tác PCCC rừng.

Nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Bình tuần tra khu vực tiếp giáp rừng thông Sơn Bình.
Nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Bình tuần tra khu vực tiếp giáp rừng thông Sơn Bình.

Ông Phan Văn Phương - Trạm trưởng Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Sơn Bình (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) cho biết: “Năm nay, mùa khô ở Khánh Sơn đến sớm hơn trung bình các năm khoảng 1 tháng. Do đó, từ trước Tết, trạm đã đặt nhiệm vụ PCCC rừng lên hàng đầu. Đơn vị thường xuyên tuần tra, cảnh giác nguy cơ cháy, sẵn sàng nhân lực, phương tiện để phục vụ PCCC rừng. Qua rà soát, chúng tôi xác định, trong lâm phận do trạm quản lý có hơn 1.000ha rừng thông trồng ở 2 xã Sơn Bình, Sơn Hiệp tiếp giáp với nương rẫy của người dân có nguy cơ cháy cao. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh tập trung thực hiện các giải pháp lâm sinh, PCCC rừng, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết PCCC rừng…”.

Theo ông Đỗ Lam Điền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn, tình trạng El Nino vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 gia tăng cường độ gây nắng nóng, khô hạn dẫn đến nguy cơ cháy rừng trên địa bàn huyện rất cao. Trên cơ sở theo dõi diễn biến cháy rừng hàng năm, trạng thái rừng dễ xảy ra cháy, điều kiện, vật liệu cháy..., địa phương đã xác định cụ thể 30 tiểu khu trọng điểm có nguy cơ cháy cao, với tổng diện tích khoảng 7.770ha, chủ yếu thuộc lâm phận của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa và diện tích do UBND cấp xã quản lý. Cụ thể, tại xã Thành Sơn có gần 970ha rừng keo và đất có cây gỗ tái sinh; xã Sơn Lâm có hơn 1.000ha rừng tự nhiên và rừng keo; xã Sơn Bình có 205ha rừng thông; xã Sơn Hiệp có 1.276ha rừng tự nhiên và rừng thông; xã Sơn Trung có 1.702ha rừng tự nhiên; thị trấn Tô Hạp có 521ha rừng thông và rừng keo; xã Ba Cụm Bắc có khoảng 1.000ha rừng tự nhiên, rừng thông, rừng keo; xã Ba Cụm Nam có 1.095ha rừng tự nhiên và rừng thông”.

Chủ động phòng cháy

Ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, các diện tích rừng có nguy cơ cháy cao trên địa bàn huyện chủ yếu ở khu vực có địa hình đồi núi, vị trí cao nên việc chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm đám cháy để xử lý rất quan trọng, bởi một khi xảy ra cháy sẽ rất khó kiểm soát. Do đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch PCCC rừng trên địa bàn nhằm chủ động ứng phó với thời tiết khô hạn và nguy cơ cháy rừng cao trong năm nay; giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, cố gắng không để xảy ra vụ cháy rừng nào gây thiệt hại lớn tài nguyên rừng. Bên cạnh chủ động triển khai công tác phòng cháy, địa phương cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác phối hợp, huy động các lực lượng, phương tiện để chữa cháy theo từng cấp độ.

Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR trong dịp Tết
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa tuần tra bảo vệ rừng trong dịp Tết.

Theo đó, các đơn vị chủ rừng, chính quyền cơ sở kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch PCCC rừng của các đơn vị theo quy định; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác PCCC rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô năm 2024. Cùng với đó, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra, canh gác ở những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao để kịp thời phát hiện đám cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt đám cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, tích cực tham gia vào công tác PCCC rừng…

Để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng từ nguyên nhân cháy lan do đốt dọn nương rẫy, trước mắt, các địa phương trên địa bàn huyện đang tập trung vận động người dân khi xử lý thực bì phải thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan kiểm lâm để cắt cử lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ; người dân trong khi đốt dọn phải tuân thủ quy định, chủ động làm đường ranh cản lửa, cắt cử người canh coi, đảm bảo đến khi đám cháy tắt hoàn toàn mới được ra về…

HẢI LĂNG