Thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực kiểm kê, chi trả tiền đền bù, xây dựng các khu tái định cư, di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng thi công Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Thời gian tới, nhà thầu sẽ huy động tối đa nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ dự án này.
Nỗ lực giải phóng mặt bằng
Đến thời điểm này, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua, gồm: Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh, Ninh Hòa đã chi trả tiền bồi thường của toàn dự án cho 2.729/2.792 trường hợp, đạt 97,8%. Đến nay, các địa phương đã bàn giao được 84,014/84,014km, đạt 100%. Trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa hiện nay còn một số trường hợp đang di dời vật kiến trúc, nhà cửa nên chưa bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng nhưng đã bàn giao các vị trí để thi công, cơ bản thông tuyến 100%. Bên cạnh đó, 6 khu tái định cư được xây dựng phục vụ di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã cơ bản hoàn thiện. Về công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đến nay, 5 hạ tầng đã di dời xong, 14 hạ tầng đã phê duyệt và đang triển khai di dời, còn 1 hạ tầng đang trình thẩm định.
Các đơn vị nhà thầu đã huy động tối đa kỹ sư, công nhân và máy móc, thiết bị đến thi công công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang. |
Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tổng nhu cầu vật liệu của Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang rất lớn. Trong đó, khối lượng đá các loại khoảng 2,1 triệu m3; khối lượng cát khoảng 0,3 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khai thác từ mỏ khoảng 6,95 triệu m3. Đến nay, UBND tỉnh đã cho phép các nhà thầu khai thác đất san lấp tại 17 mỏ với tổng trữ lượng 7,66 triệu m3 đáp ứng nhu cầu của dự án. Đối với mỏ cát, nguồn vật liệu cát trên địa bàn tỉnh gồm: Nạo vét hồ Hoa Sơn khoảng 55.794m3; nạo vét hồ Suối Dầu khoảng 47.194m3; nạo vét hồ Láng Nhớt khoảng 116.764m3. Ngày 5-12-2023, UBND tỉnh đã có văn bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong thi công nạo vét, thu hồi vật liệu xây dựng thông thường tại hồ chứa nước Hoa Sơn (xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) để cung cấp cho Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang với khối lượng 55.794m3.
Ông Trần Đình Tuyên - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 7 cho biết, hiện nay, các nhà thầu thi công đã huy động khoảng 1.800 kỹ sư, công nhân và gần 1.000 máy móc, thiết bị đến công trường thi công Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, trong đó có những đơn vị thi công xuyên Tết Giáp Thìn, có những đơn vị thi công từ ngày mùng 1 hoặc mùng 2 Tết. Đến nay, gần 40% khối lượng dự án đã được hoàn thành. Mặc dù còn một số vướng mắc liên quan đến di dời hạ tầng kỹ thuật nhưng ban quản lý cùng với các nhà thầu quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc
Hiện nay, nhu cầu chuyển mục đích đối với diện tích rừng phát sinh của Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang (chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng) là 4,27ha; trong đó có 2,85ha rừng tự nhiên và 1,42ha rừng trồng. Ngày 20-10-2023, UBND tỉnh đã có Tờ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với phần diện tích nêu trên. Ngày 12-12-2023, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tách hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng để trình trước đối với các tỉnh đã đủ hồ sơ làm cơ sở thực hiện tại các dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương có ý kiến thẩm định đối với hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, tham mưu Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh Nghị quyết số 273 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của pháp luật.
Công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang đã thi công được gần 40% khối lượng. |
Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, đồng chí Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang có khối lượng di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, đặc biệt là các hạ tầng đường dây truyền tải điện quốc gia (220kV, 110kV) có yêu cầu cao, phức tạp về thiết kế và trình tự, thủ tục thẩm định. Vì vậy, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định di dời đường điện 220kV tại địa bàn huyện Diên Khánh để đảm bảo thời gian triển khai các bước tiếp theo. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với địa phương đẩy nhanh việc thỏa thuận hồ sơ thiết kế di dời các đường dây điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công của dự án. UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành báo cáo để Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 273; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết số 273 làm cơ sở để địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các nhà thầu triển khai thi công hoàn thiện nền đường.
Công trình đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng chiều dài khoảng 83,35km, điểm đầu tại Km 285 + 000, vị trí nút giao đầu hầm Cổ Mã, địa phận xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh); điểm cuối tại Km 368 + 000, vị trí giao với Quốc lộ 27C thuộc xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh), kết nối với công trình đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 11.808 tỷ đồng; tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 616,2ha; có 2.792 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó khoảng 280 trường hợp cần bố trí tái định cư và 20 hệ thống hạ tầng, kỹ thuật phải di dời (gồm 164 vị trí giao cắt).
VĂN KỲ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin