22:35, 01/01/2024

Động lực cho "Năm Quản trị và điều hành" 

NGUYỄN VŨ

Năm 2023, Khánh Hòa ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Đây sẽ là động lực để tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ của năm 2024 với chủ đề "Năm Quản trị và điều hành".

Nỗ lực thực hiện nhiều nội dung 

Kế hoạch tuyên truyền CCHC tỉnh năm 2023 đề ra 3 mục tiêu, 16 nội dung nhằm chuyển tải trọng tâm, quyết tâm CCHC của tỉnh. Để thực hiện, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức các hội nghị, đối thoại, tập huấn về nhiều nội dung của công tác CCHC. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công Cuộc thi Mô hình, sáng kiến CCHC của công chức, viên chức trẻ lần thứ 6 - năm 2023 với 46 mô hình góp phần phổ biến kiến thức, kỹ năng CCHC, đề cao tinh thần phục vụ nhân dân. Đặc biệt, Sở Nội vụ còn phối hợp với Tỉnh đoàn, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa (KTV) phát sóng 4 số tương tác trực tuyến về CCHC trên 3 fanpage, thu hút hơn 28.000 lượt tiếp cận, gần 13.700 lượt xem, gần 19.700 lượt bình luận...

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn đề cao tinh thần phục vụ người dân, tổ chức.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn đề cao tinh thần phục vụ người dân, tổ chức.

Năm 2023, tỉnh ban hành 66 văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời thể chế các chủ trương, chính sách của cấp trên. Đặc biệt, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; đẩy nhanh tiến độ lập để trình phê duyệt quy hoạch đô thị mới Cam Lâm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch phân khu tại Khu Kinh tế Vân Phong. Tỉnh cũng khai trương Cổng thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư; phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin chia sẻ, cung cấp dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản... Đến nay, toàn tỉnh lũy kế thu hút 623 dự án có vốn ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký gần 363.240 tỷ đồng; 112 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn gần 3,9 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành 77 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC); đề xuất đơn giản hóa 12 TTHC; đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh từ ngày 30-9-2023. Năm 2023, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của khối sở, UBND cấp huyện, cấp xã đạt 99,52%; khối cơ quan ngành dọc đạt 99,11%. Đến hết tháng 10-2023, toàn tỉnh có 124 tổ chức thuộc sở, 591 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 33 đầu mối thuộc sở, 92 đơn vị sự nghiệp so với cùng kỳ năm 2015. Tỉnh đã trình Bộ Nội vụ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Các địa phương cơ bản tổ chức sáp nhập, đặt tên một số thôn, tổ dân phố. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp xã đều đạt chuẩn. Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính tỉnh đã hoàn thành, tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của từng địa phương.

Tích cực xây dựng, phát triển chính quyền điện tử

Giao dịch tại bộ phận một cửa của UBND TP. Nha Trang.
Giao dịch tại bộ phận một cửa của UBND TP. Nha Trang.

Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh đã được nâng cấp; 8 UBND cấp huyện tiếp tục đạt mức cao nhất về điều kiện sẵn sàng xây dựng chính quyền điện tử. Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh hoàn thành kết nối, tích hợp với 11 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Chính phủ, bộ, ngành. Ứng dụng Công dân số của tỉnh được sử dụng cùng với các hệ thống: Quản lý văn bản và điều hành (E-Office); giải quyết TTHC; quản lý cán bộ, công chức; thông tin địa lý (GIS) của tỉnh; quản lý giải quyết kiến nghị của cử tri; phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh; hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; hội nghị giao ban trực tuyến của tỉnh… Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh hoàn thành kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và từ ngày 9-2-2023 đã khai thác 3 dịch vụ: Xác minh căn cước công dân, chứng minh nhân dân; xác minh thông tin chủ hộ; lấy thông tin công dân phục vụ giải quyết TTHC. Hệ thống E-Office liên thông từ tỉnh đến xã; hệ thống thông tin báo cáo tỉnh kết nối với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Ứng dụng AI được triển khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và một số hệ thống. Đến giữa tháng 12-2023, có gần 276.000 hồ sơ được lưu trữ vào Kho quản lý dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tỉnh. Toàn tỉnh đã có 7 điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và huyện Khánh Vĩnh. Tỉnh cũng tiếp tục giao chỉ tiêu hồ sơ trực tuyến; công bố danh mục 880 TTHC trực tuyến. HĐND tỉnh ban hành 7 nghị quyết quy định mức thu lệ phí giao dịch trực tuyến bằng 50 - 80% mức thu giao dịch trực tiếp. Các sở, UBND cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến 66,99%; hơn 130.000 lượt thanh toán trực tuyến với hơn 127,5 tỷ đồng. Khối cơ quan ngành dọc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đạt 92,16%...

Theo ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ, năm 2023, tỉnh đã hoàn thành toàn bộ 64 nhiệm vụ CCHC đề ra. Năm 2024, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Kết luận số 91, ngày 18-10-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến…, phấn đấu thực hiện tốt năm chủ đề 2024 mà tỉnh đã chọn: Năm Quản trị và điều hành.

NGUYỄN VŨ