Nhờ tranh thủ được nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong năm 2023, xã Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh) đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Theo đó, năm nay, số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm mạnh so với chỉ tiêu được UBND huyện Khánh Vĩnh giao.
Đầu năm 2023, xã Khánh Đông còn 194 hộ nghèo, chiếm 20,4% dân số toàn xã. UBND huyện Khánh Vĩnh giao nhiệm vụ trong năm nay, xã Khánh Đông phải giảm được 47 hộ nghèo. Để thực hiện chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm, UBND xã Khánh Đông đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Qua rà soát, toàn xã có 50 hộ có khả năng thoát nghèo trong năm 2023. Nhờ tranh thủ được nguồn lực từ các chương trình, đến cuối năm, xã Khánh Đông đã giảm được 68 hộ nghèo, vượt xa so với chỉ tiêu UBND huyện Khánh Vĩnh giao. Như vậy, toàn xã còn 126 hộ nghèo, chiếm 14% dân số.
Đại diện UBMTTQ Việt Nam tỉnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Khánh Đông. |
Lãnh đạo UBND xã Khánh Đông cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 300ha bưởi da xanh. Đây là cây trồng chủ lực của xã để phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Tính trung bình, mỗi héc-ta bưởi cho doanh thu từ 500 đến 600 triệu đồng/năm, mang lại lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm. Trong năm 2023, trên địa bàn xã có 6 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) được Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương giao khoán đất rừng với 30ha/hộ; giá giao khoán 400.000 đồng/ha/năm. Với nguồn thu 12 triệu đồng/năm từ việc nhận giao khoán rừng đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân. Ngoài ra, nhờ kết hợp các nguồn lực, trong năm 2023, xã Khánh Đông có 35 hộ nghèo được xây dựng nhà ở và 8 hộ nghèo được sửa chữa nhà, qua đó góp phần xóa nhà tạm, giúp các hộ ĐBDTTS thoát nghèo.
Bên cạnh đó, UBND xã Khánh Đông đã đăng ký mô hình chăn nuôi bò sinh sản, thành lập tổ nuôi bò với sự tham gia của 20 hộ ĐBDTTS, do đại diện 1 hộ có uy tín làm tổ trưởng, còn lại là các hộ nghèo và cận nghèo. Mô hình này sẽ nhận hỗ trợ vốn từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Cuối tháng 11 vừa qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh đã kiểm tra chuồng trại từng hộ gia đình để triển khai mô hình này trong năm 2024. Để thực hiện mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Khánh Vĩnh đang tổ chức lớp nghiệp vụ thú y cho 20 hộ dân này.
Ông Cao Thanh Phi - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Đông cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động, theo dõi, giúp đỡ các hộ nghèo và cận nghèo được thực hiện thường xuyên, kịp thời và mang lại hiệu quả tích cực. Công tác vận động xã hội hóa từ các đơn vị giúp đỡ xã, tổ chức chính trị - xã hội đã chung tay góp sức hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” vào sự bao cấp của Nhà nước vẫn còn tồn tại trong ý thức một số hộ ĐBDTTS; phần lớn hộ nghèo làm nông nghiệp còn hạn chế về nhận thức, phương thức sản xuất lạc hậu, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo ông Phi, hiện nay, những hộ nghèo còn lại trên địa bàn xã chủ yếu thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và gia đình có nhiều người phụ thuộc (chỉ có 1 đến 2 lao động chính). Xã phấn đấu trong năm 2024 sẽ giảm số hộ nghèo xuống còn dưới 5%, đáp ứng tiêu chí để xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, thời gian tới, UBND xã sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trong việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo đã và đang thực hiện ở địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cho vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo; tiếp tục rà soát, vận động hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo; hướng dẫn và phân công tổ chức hội, đoàn thể giúp đỡ các hộ nghèo bằng những hành động thiết thực, cụ thể…
NHẬT THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin