22:09, 14/12/2023

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

H.NGÂN

Hiện nay, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có chiều hướng gia tăng. Thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sản và phát triển, kéo theo nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới.

Tăng số ca mắc và ca nặng

Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Trọng Tân - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, những tháng đầu năm 2023, do vẫn còn ảnh hưởng của đuôi dịch năm 2022 nên số ca mắc SXH ghi nhận ở mức cao. Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt giám sát, hỗ trợ các địa phương xử lý dịch; các địa phương triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất nên số ca mắc tạm thời được khống chế tại một số xã, phường. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9, số ca mắc có xu hướng tăng ở hầu hết các địa phương, ngoại trừ huyện Cam Lâm.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.
 

Tỷ lệ thuận với việc tăng số ca mắc, số ca SXH nặng cũng tăng. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, những tháng trước, trung bình mỗi tháng có từ 2 đến 3 ca nặng; chỉ tính từ ngày 1-11 đến 13-12, đã có 17 ca nặng và 32 ca có dấu hiệu cảnh báo nặng trên tổng số 238 ca mắc SXH điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết, một số bệnh nhân mắc SXH nhập viện khi tình trạng đã nặng như: Bị sốc, suy hô hấp, tràn dịch màng bụng và màng phổi, rối loạn đông máu, có những ca tổn thương đa cơ quan…

Chủ động các biện pháp phòng, chống dịch

Theo bác sĩ Huỳnh Trọng Tân, hiện nay, vẫn còn nhiều người dân chủ quan, chưa tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Qua các đợt kiểm tra, giám sát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ghi nhận trong nhiều gia đình có người bệnh SXH vẫn tồn tại các vật chứa nước có lăng quăng. Công tác xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng, xử lý dịch của các trạm y tế chưa cụ thể, chi tiết nên khi triển khai gặp nhiều lúng túng, hiệu quả không cao, bỏ sót hộ gia đình. Trong khi đó, các thông tư, văn bản hướng dẫn chi cho công tác diệt lăng quăng không có nên các địa phương rất lúng túng trong việc thực hiện chi trả công cho các nhóm, tổ diệt lăng quăng khi tổ chức các hoạt động xử lý dịch. Bên cạnh đó, các chiến dịch diệt lăng quăng do các địa phương tổ chức kém hiệu quả; chỉ số côn trùng tại một số nơi vẫn còn cao. Ngoài ra, một số thành viên các nhóm diệt lăng quăng chưa có nhiều kỹ năng, chưa hướng dẫn các hộ gia đình cách loại bỏ trứng muỗi còn bám trên thành các vật chứa nước sinh hoạt; không ít người dân mắc SXH tự mua thuốc về nhà điều trị nên trạm y tế địa phương không nắm được thông tin để giám sát và xử lý dịch kịp thời.

Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục triển khai các kế hoạch diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động phòng, chống SXH đợt 2 đối với các địa phương chưa triển khai, tiến hành diệt lăng quăng hàng tuần hoặc 2 tuần/lần tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao nhằm không để sót các hộ gia đình, các dụng cụ không được xử lý. Ngành Y tế cũng đang phối hợp với ngành Giáo dục triển khai chiến dịch huy động học sinh THCS tham gia diệt lăng quăng, phòng, chống SXH ngay tại hộ gia đình. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác giám sát, xử lý ổ dịch kịp thời, tuyên truyền tới các hộ gia đình bằng nhiều hình thức, nhiều kênh truyền thông, giúp người dân hiểu rõ nguy hiểm của bệnh, tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến hết tháng 11, toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 3.245 trường hợp mắc SXH, trong đó có 1 ca tử vong; phát hiện và xử lý 212 ổ dịch. Trong đó, thị xã Ninh Hòa có số ca mắc cao nhất với 1.237 ca, tiếp đó là TP. Nha Trang 650 ca, Khánh Vĩnh và Vạn Ninh mỗi địa phương 350 ca… So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc giảm 28%, số ổ dịch giảm 17% và giảm 1 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trong tháng 11, toàn tỉnh có 501 ca mắc, tăng 39% so với tháng 10. Các địa phương có số ca mắc tăng nhiều nhất là: Diên Khánh (tăng 100%), Ninh Hòa (tăng 95%), Khánh Vĩnh (tăng 40%), Nha Trang (tăng 34%), Cam Ranh (tăng 33%), Khánh Sơn (30%). 

 

Bác sĩ Nguyễn Đông - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh: Nhiều người mắc SXH chủ quan khi thấy hết sốt, nghĩ rằng sắp khỏi bệnh, song thực tế đây là giai đoạn nặng của bệnh, có thể kèm theo các triệu chứng như: Đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, mệt lả, chảy máu răng… Do đó, người dân nên đến các cơ sở y tế khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không nên tự mua thuốc uống vì có một số loại thuốc kháng viêm, thuốc hạ sốt chống chỉ định đối với bệnh SXH, khi sử dụng sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng.

H.NGÂN