19:15, 19/12/2023

Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa: Nâng cao chất lượng lập Báo cáo tài chính Nhà nước của tỉnh

NGUYỄN ĐỨC MẠO

Năm 2023, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Khánh Hòa nỗ lực nâng cao chất lượng tổng hợp và lập Báo cáo tài chính Nhà nước (BCTCNN) của tỉnh để góp phần xây dựng nền tài chính Nhà nước minh bạch.

Lập Báo cáo tài chính Nhà nước đầy đủ, chính xác, kịp thời

 

Năm 2023 là năm thứ 5 thực hiện tổng hợp và lập BCTCNN nói chung và BCTCNN của tỉnh nói riêng. Việc lập BCTCNN là nghiệp vụ không mới nhưng vẫn khó đối với khu vực nhà nước và cơ quan quản lý, đơn vị dự toán trong việc lập và tổng hợp, phân tích số liệu tài chính nhà nước. Hệ thống tổng kế toán năm 2023 đã được cập nhật và nâng cấp hơn so với những năm trước; trong đó đơn vị sử dụng ngân sách không còn phải gửi báo cáo tài chính giấy đến KBNN để nhập thủ công, số liệu được cập nhật sớm và chính xác… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tiếp nhận BCTCNN năm 2022, Ban Giám đốc KBNN Khánh Hòa nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Phạm vi của BCTCNN rất rộng, còn nhiều chế độ kế toán nhà nước khác nhau đối với các loại hình đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) và phần mềm kế toán khác nhau… Do đó, căn cứ vào các văn bản, chế độ quy định và rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay, KBNN Khánh Hòa đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể theo quy định. Trong quá trình thực hiện, KBNN Khánh Hòa luôn phối hợp, liên hệ chặt chẽ với cơ quan tài chính, các ban, ngành, địa phương; giữa người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin trao đổi các vướng mắc để có BCTCNN đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Công chức Kho bạc Nhà nước rà soát, đối chiếu và phân tích dữ liệu đầu vào của Báo cáo tài chính Nhà nước
Công chức Kho bạc Nhà nước rà soát, đối chiếu và phân tích dữ liệu đầu vào của Báo cáo tài chính Nhà nước

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện BCTCNN cho thấy, các đơn vị đã dần hiểu hơn về các chế độ kế toán cũng như về yêu cầu BCTCNN; chất lượng thông tin đầu vào tốt hơn, số liệu trên BCTCNN cải thiện hơn các năm trước. Đến nay, BCTCNN đã cập nhật, bổ sung tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt quốc gia, thủy lợi; cập nhật tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, công trình nước sạch. Đồng thời, thuyết minh đầy đủ tài sản cố định hữu hình, vô hình của đơn vị... Ngoài ra, BCTCNN tổng hợp đầy đủ thông tin tài chính của UBND cấp xã, ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Điểm sáng bức tranh tiềm lực của khu vực tài chính nhà nước

Trên cơ sở số liệu thu thập được từ 492 đơn vị có trách nhiệm gửi báo cáo cung cấp thông tin tài chính, KBNN Khánh Hòa đã phân tích, thuyết minh đầy đủ, rõ ràng và chính xác các số liệu trên BCTCNN của tỉnh. Sau khi hoàn thành việc tổng hợp, KBNN Khánh Hòa đã lấy ý kiến góp ý dự thảo BCTCNN của tỉnh, của UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (tổng số 42 đơn vị). Kết quả, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều thống nhất số liệu.

BCTCNN tỉnh Khánh Hòa năm 2022 phản ánh bức tranh ban đầu về thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ NSNN hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi toàn tỉnh gồm: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả cũng như kết quả hoạt động tài chính nhà nước, lưu chuyển tiền tệ trong năm 2022. Theo đó, có một số điểm sáng trong BCTCNN của tỉnh năm 2022 là: Tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản cố định đặc thù đã thực hiện tổng hợp số liệu theo từng cấp ngân sách tương ứng theo quy định. Qua đó, nâng cao được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan được giao quản lý, sử dụng. Về nợ của chính quyền địa phương, theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật NSNN năm 2015, mức dư nợ vay ngân sách địa phương của tỉnh không vượt quá 30% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tỉnh đã huy động được nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách để tăng chi đầu tư phát triển theo đúng định hướng của Trung ương. Địa phương có vay để bù đắp bội chi nhưng không đáng kể, so với năm 2021 tăng 12% do vay nợ thêm các dự án: Sửa chữa và nâng cao an toàn đập; Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Nha Trang,... cho thấy tỉnh đảm bảo kiểm soát được mức dư nợ cũng như tránh được những rủi ro về nợ, duy trì sự ổn định. Bên cạnh đó, năm 2022, vốn điều lệ của các doanh nghiệp nhà nước tăng 7%, góp phần tạo ra nhiều cơ hội để phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giúp cho năng lực tài chính của doanh nghiệp tăng lên.

Điểm nổi bật nhất là thặng dư tài chính nhà nước năm 2022 so với năm 2021 tăng 20%. Nguyên nhân một phần là do năm 2022 thu NSNN của tỉnh vượt so với dự toán được giao. Số thặng dư lũy kế này chính là nguồn lực tài chính tiềm năng mà Nhà nước đang và sẽ được hưởng lợi do chênh lệch của hoạt động thu, chi tài chính từ các năm trước mang lại; là căn cứ tài chính cho việc lập kế hoạch ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính nhà nước trong các năm tiếp theo. Qua đó, cũng phản ánh được công tác quản lý điều hành thu - chi ngân sách địa phương đang được vận hành tốt.

Thực tiễn qua các năm qua cho thấy, cơ sở dữ liệu đầu vào là một trong những yếu tố quyết định chất lượng BCTCNN. Vì vậy, cấp có thẩm quyền cần xác định BCTCNN là tài liệu cho công tác chỉ đạo điều hành và ra quyết định, nghị quyết về tài chính và ngân sách; quan tâm chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc tích cực, chủ động nghiên cứu, triển khai các hướng dẫn về công tác kế toán để cung cấp báo cáo thông tin tài chính chính xác và kịp thời cho KBNN.

NGUYỄN ĐỨC MẠO

.