19:10, 03/12/2023

Hội Nông dân huyện Khánh Vĩnh: Hỗ trợ hội viên thoát nghèo

Những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Khánh Vĩnh có nhiều mô hình hiệu quả hỗ trợ hội viên thoát nghèo.

Nỗ lực vươn lên

Làng Cao Mô Xê ở thôn Ba Dùi (xã Khánh Bình) nằm ở chân núi, nơi có những ruộng lúa rẫy uốn quanh theo bờ suối, những rừng keo, rẫy bắp xanh ngắt. Người dân ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc Raglai sống quây quần làm ruộng vườn, nương rẫy. Chúng tôi gặp ông Cao Văn Chun (sinh năm 1985) và được nghe câu chuyện thoát nghèo của ông. Cách đây 3 năm, khi ông về thăm gia đình vợ ở xã Khánh Thượng, thấy người dân trồng dứa ở vùng đất đồi mát mẻ, phát triển khá tốt. “Nhìn những quả dứa to khắp nương rẫy, tôi ưng cái bụng quá, liền nghĩ, vùng nương rẫy tạp của mình ở làng Cao Mô Xê cũng mát mẻ, ôn hòa, chắc sẽ phù hợp với cây dứa. Vậy là tôi trở về cải tạo 3.000m2 đất triền dốc nhà mình để trồng 2.000 cây dứa giống MD2” - ông Chun cho biết.

Nông dân Cao Văn Chun (bên phải) thoát nghèo từ cây dứa.
Nông dân Cao Văn Chun (bên phải) thoát nghèo từ cây dứa.

Ngày mới trồng, ngoài công sức để biến vườn cây tạp phù hợp với việc trồng dứa, ông Chun còn được Quỹ hỗ trợ nông dân tạo điều kiện cho vay 15 triệu đồng để đầu tư thêm. Đồng thời, ông vừa học hỏi kinh nghiệm của người đi trước vừa được chính quyền, các cấp HND động viên, hướng dẫn; nhờ đó, vườn dứa phát triển tốt cho thu nhập khá. “Cây dứa cứ tầm tháng 7, tháng 8 là cho thu hoạch. Từ năm 2020 đến nay, đều đặn mỗi năm, 2.000 gốc dứa cho tôi thu nhập hơn 12 triệu đồng/vụ” - ông Chun chia sẻ. Rồi ông đưa chúng tôi ra khu vườn trồng 60 cây bằng lăng được hơn 1 năm với ý tưởng sau này quây lưới để thả heo đen, thả gà dưới tán cây. Bên cạnh đó, có ao vừa cung cấp nước tưới cho vườn vừa thả cá trê. “Tôi mới thu hoạch 4 tạ cá trê lai, bán được hơn 20 triệu đồng, trong đó lãi 15 triệu đồng. Nhà còn 8 sào keo, chắc tôi cũng sẽ chuyển dần sang trồng dứa, trồng cây ăn quả” - ông Chun dự tính.

Những năm gần đây, cuộc sống của cộng đồng người Ê-đê ở xóm Nước Nóng (thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp) từng ngày thay da đổi thịt. Vào thăm gia đình bà Niê H’Tông, chúng tôi không khỏi khâm phục khi biết gia đình dành 800 triệu đồng xây dựng ngôi nhà khang trang, to đẹp. Gia đình bà từ Đắk Lắk đến lập nghiệp ở đây từ hơn 40 năm trước. Nhờ cần cù, chịu khó, cộng thêm sự hỗ trợ của chính quyền và HND các cấp, gia đình bà đã vượt qua những ngày khó khăn để vươn lên có cuộc sống no ấm. Hiện nay, gia đình bà trồng 2ha keo, 6 sào ruộng, nuôi 7 con bò và đàn heo, gà… đảm bảo cuộc sống đầy đủ.

Nhiều mô hình hiệu quả

Ngôi nhà khang trang của gia đình bà Niê H’Tông.
Ngôi nhà khang trang của gia đình bà Niê H’Tông.

Bà Nguyễn Thùy Bích Chinh - Phó Chủ tịch HND huyện Khánh Vĩnh cho biết, năm 2019, Ban Thường vụ HND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình “Giúp nhau giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2019 - 2023. Kế hoạch xây dựng các mô hình và cho vay vốn để hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp cho 223 lượt hộ vay để xây dựng 140 lượt mô hình kinh tế hiệu quả, qua đó tạo điều kiện cho hội viên có vốn đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, trong đó có nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Một số mô hình hiệu quả có thể kể đến như: Trồng bưởi da xanh ở Khánh Thành, Khánh Phú; nuôi gà lấy trứng ở thị trấn Khánh Vĩnh; nuôi heo đen ở Liên Sang; nuôi bò sinh sản ở Khánh Hiệp; nuôi gà, trồng dứa ở Khánh Bình; trồng lúa nước ở Khánh Trung. Các mô hình này đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm 600 - 800 hộ nghèo/năm trên địa bàn huyện. Từ năm 2019 đến 2022, HND ở cơ sở đã đăng ký giúp hơn 70 hộ thoát nghèo. Năm 2023, có 60 hội viên, nông dân được hội giúp đỡ thoát nghèo. Trong đó, có nhiều hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã nỗ lực thoát nghèo vươn lên làm giàu, trở thành những gương sản xuất, kinh doanh giỏi như hộ các ông: Cao Văn Chun, Cao Thiện, Cao Văn Đượng, Mang Sáu… ở Khánh Bình; Cao Linh, Cao Nghiệp, Mấu Văn Đức, Hà Thông ở Khánh Phú…

Việc đồng hành hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp HND. Thời gian tới, HND huyện Khánh Vĩnh tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi dậy ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo của hội viên; vận động hội viên phát huy tinh thần "Tương thân tương ái" giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Trong hơn 4 năm qua, các cấp HND ở Khánh Vĩnh đã vận động được 240 lượt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ cho 83 hộ hội viên nghèo bằng nhiều hình thức, như: Giúp vốn không lấy lãi, giải quyết việc làm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi... trị giá hơn 300 triệu đồng để các hộ đầu tư ban đầu, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

HỒNG ĐĂNG