Tuy được quan tâm đầu tư nhưng hiện nay, đa phần các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi chưa phát huy được nhiều hiệu quả. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng đánh giá toàn diện việc đầu tư, quản lý, vận hành nhằm đảm bảo cấp nước cho người dân.
Nhiều công trình kém hiệu quả
Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm, ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng mới, sửa chữa 37 công trình cấp nước sinh hoạt ở 28 xã vùng ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh. Trong đó, huyện Khánh Sơn có 11 công trình; huyện Khánh Vĩnh có 19 công trình; các huyện: Diên Khánh, Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa mỗi địa phương có 2 công trình; TP. Cam Ranh có 1 công trình. Tuy nhiên, qua rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này có đến 6 công trình ngừng hoạt động, 21 công trình hoạt động kém hiệu quả, số còn lại được đánh giá hoạt động tương đối hiệu quả, rất ít công trình hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, ở các khu vực ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh còn được đầu tư 147 công trình cấp nước phân tán nhỏ lẻ bằng giếng khoan, giếng đào. Thế nhưng, chất lượng nguồn nước không đảm bảo, một số bị nhiễm phèn nặng hoặc ô nhiễm.
Hệ thống cấp nước xã Sơn Trung (huyện Khánh Sơn) đã ngưng hoạt động từ 3 năm nay. |
Theo ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công trình cấp nước nông thôn giao cho doanh nghiệp (DN), đơn vị sự nghiệp có chức năng quản lý cấp nước thì hiệu quả hoạt động cao; còn đa số các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân ở vùng ĐBDTTS và miền núi chủ yếu giao cho UBND cấp xã quản lý, được đầu tư nhiều nhưng việc quản lý, vận hành, khai thác sau đầu tư chưa hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do giá tiêu thụ nước sạch tại các khu vực nêu trên rất thấp so với mức giá ở các khu vực khác nên thu không đủ bù chi; nhiều công trình được đầu tư từ lâu nên công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và thất thoát nước rất lớn (có nơi gần 40%). Nhiều công trình sớm bị hỏng, xuống cấp do không được duy tu, bảo trì, sửa chữa hàng năm… Công tác quản lý các công trình cấp nước của UBND cấp xã cũng gặp nhiều khó khăn do không có chuyên môn trong việc xây dựng phương án giá nước (tính đúng, tính đủ các chi phí) để trình UBND tỉnh phê duyệt; nhân viên quản lý, vận hành không có kinh nghiệm…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh: “Hiện nay, có nhiều công trình cấp nước không thực hiện thu phí, không quản lý được, hộ đầu nguồn sử dụng tràn lan, hộ cuối nguồn không có nước sử dụng. Những công trình khi mới được đầu tư thì hiệu quả, sau một thời gian phát sinh hỏng hóc nhỏ nhưng không thu phí nên không có kinh phí sửa chữa nên mức độ hỏng càng lớn hơn, dẫn đến việc cấp nước bị ảnh hưởng, thậm chí phải ngừng hoạt động”.
Cần giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Nếu giao cho các DN, đơn vị có kinh nghiệm trong cung cấp nước sinh hoạt chắc chắn sẽ có hiệu quả. Nhưng thực tế, nhiều công trình cấp nước do UBND xã quản lý như ở các xã: Sông Cầu, Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh) vẫn hoạt động rất hiệu quả. Ông Sơn đề nghị, đối với những công trình cấp nước ngừng hoạt động, hoạt động kém hiệu quả, cần phải đánh giá toàn diện từng công trình, xác định cụ thể nguyên nhân, từ đó tính toán việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa; những khu vực có thể đấu nối được với mạng lưới cấp nước của các DN thì nên ưu tiên đấu nối để DN đảm bảo việc cấp nước cho người dân. Để nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình, bắt buộc phải thu tiền đối với người sử dụng nước, vì vậy, cần có chính sách trợ giá nước cho hộ thuộc diện chính sách, hộ nghèo. Đối với các công trình cấp nước giao cho UBND cấp xã quản lý, cần phải có phương án giá nước, có quy chế quản lý, vận hành công trình…
Lãnh đạo một số DN, đơn vị có kinh nghiệm cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh cho rằng, hiệu quả đầu tư các công trình cấp nước ở các địa bàn miền núi, vùng ĐBDTTS không cao, thậm chí DN phải bù lỗ hàng tháng. Nếu UBND tỉnh giao cho DN đầu tư, quản lý, vận hành các công trình cấp nước những khu vực này thì cần phải có lộ trình để DN tiếp nhận dần; đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho DN khi đầu tư ban đầu và hỗ trợ sau đầu tư, trợ giá nước…
Để nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, khai thác các công trình cấp nước, mới đây, đồng chí Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát lại toàn bộ công trình cấp nước ở vùng ĐBDTTS và miền núi trong tỉnh, xác định rõ nguyên nhân đối với những công trình ngừng hoạt động, hoạt động không hiệu quả, từ đó xác định hướng đầu tư hiệu quả. Đối với 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, việc đầu tư mới các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân phải gắn với việc xây dựng các công trình hồ thủy lợi để đảm bảo nguồn cấp nước, công nghệ xử lý…, kêu gọi DN đầu tư. UBND cấp huyện phải xây dựng phương án giá nước, trong đó tính toán đầy đủ các chi phí, trình Sở Tài chính thẩm định để tham mưu UBND tỉnh ban hành thực hiện, khi đó mới có thể tính toán được phương án hỗ trợ giá nước cho các đối tượng chính sách; có quy chế quản lý, vận hành đối với những công trình cấp nước tập trung do địa phương quản lý…
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin