21:58, 15/11/2023

Tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

VĂN GIANG 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang kết nối với các đơn vị tư vấn đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Còn nhiều hạn chế

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, hiện nay, toàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm tuyển sinh đào tạo khoảng 30.000 người. Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, với hơn 80% người tốt nghiệp có việc làm. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn khá hạn chế. Nhiều trường tuy rất quan tâm đổi mới hoạt động quản trị, số hóa hoạt động dạy học nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào khi nguồn tài chính eo hẹp, cơ sở vật chất, hạ tầng không cho phép; nhân lực chưa được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến công tác quản lý giáo dục trong dạy và học; học liệu số thiếu tính xác thực và không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như nội dung. Từ đó, dẫn đến tình trạng không đồng nhất về kiến thức và tạo nên nhiều hệ lụy khác như: Tiêu hao tài chính, tốn thời gian…

Đào tạo nghề điện lạnh tại Trường Trung cấp nghề Vạn Ninh.
Đào tạo nghề điện lạnh tại Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh.

Đơn cử như Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa mỗi năm tuyển sinh đào tạo khoảng 600 học sinh hệ trung cấp, hơn 800 học viên hệ sơ cấp và thường xuyên. Trường xác định chiến lược đào tạo nhân lực trọng điểm cho vùng, nhất là Khu Kinh tế Vân Phong, gắn với chuyển đổi số. Nhà trường đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý, thiết kế và mô phỏng đào tạo nhằm phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn hạn chế nên hoạt động chuyển đổi số chưa được đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng, giáo trình và bài giảng chưa được số hóa, chưa có hệ thống dữ liệu dùng chung…

Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh đang tổ chức đào tạo 7 nghề hệ trung cấp; mỗi năm trường tuyển sinh đào tạo cho hơn 300 học sinh hệ trung cấp, hơn 900 học viên hệ sơ cấp và thường xuyên. Để thực hiện tốt công tác đào tạo, nhà trường đã triển khai việc dạy học, họp trực tuyến thông qua các ứng dụng như: Zoom, Google meet, E-Learning; đầu tư Internet và wifi phủ sóng toàn trường. Tuy nhiên, phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế về năng lực chuyển đổi số; chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức chuyển đổi số. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo chưa được đầu tư đúng mức, một số bộ môn còn thiếu trang thiết bị, nhất là những nghề không thuộc nghề trọng điểm…

Hướng tới xây dựng trường nghề thông minh 

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề, sở xác định chuyển đổi số là một trong những giải pháp rất quan trọng. Vừa qua, sở đã họp bàn với một công ty về công nghệ ở Hà Nội để đưa ra những giải pháp chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, thời gian tới, sở sẽ cùng đơn vị tư vấn xây dựng phần mềm quản lý điều hành chung toàn ngành. Từ đó, sẽ có các phần mềm về quản lý đào tạo, tuyển sinh, thi trắc nghiệm online, nhân sự, khoa học, hành chính, tài sản, thiết bị, thư viện số, ký túc xá… Đồng thời, xây dựng app (ứng dụng) với đầy đủ tính năng tích hợp để phục vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thu học phí, tạo sự rõ ràng, minh bạch, đồng bộ về tài chính, thuận tiện cho người học, đơn vị quản lý. Đặc biệt, phần mềm sẽ được liên kết với các phần mềm quản lý của Trung ương, tỉnh để thực hiện chia sẻ, khai thác dữ liệu dùng chung; có tính năng thực hiện khảo sát học sinh về học tập, giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo; quản lý, kết nối với doanh nghiệp, giữ mối liên hệ với người học sau khi tốt nghiệp đi làm tại doanh nghiệp… Cùng với đó, ngành LĐ-TB-XH tập trung thực hiện giải pháp phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển chương trình, nội dung đào tạo giáo dục nghề nghiệp các cấp phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; chú trọng phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương pháp dạy và học; huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH, sở đang thực hiện sáp nhập một số trường trung cấp nghề để đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 6 trường trung cấp nghề thuộc sở. Do đó, công tác chuyển đổi số trong các trường sẽ được đẩy mạnh và phát triển toàn diện để trở thành trường nghề thông minh. Trong đó, thực hiện phân cấp, phân quyền cho các trường; tăng cường hoạt động dạy online; tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ, trang thiết bị cần thiết cho người dạy, học và quản lý; ứng dụng phần mềm, nền tảng ứng dụng, học liệu điện tử, bài giảng điện tử, phòng học trực tuyến, phòng livestream…

VĂN GIANG