Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa có văn bản hướng dẫn các phòng GD-ĐT triển khai thực hiện công tác tổ chức bán trú trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học từ năm học 2023 - 2024. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT về vấn đề này.
Ông Đỗ Hữu Quỳnh.- Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo |
- Xin ông cho biết, hiện nay có các hình thức tổ chức bếp ăn bán trú nào trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh?
- Các hình thức tổ chức bếp ăn trong cơ sở giáo dục gồm: Bếp ăn do cơ sở giáo dục trực tiếp quản lý, điều hành; bếp ăn do đơn vị cung cấp dịch vụ nấu ăn tại cơ sở giáo dục; đặt suất ăn cho học sinh từ đơn vị cung cấp suất ăn từ bên ngoài (riêng hình thức này không áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non). Dù tổ chức theo hình thức nào, các cơ sở giáo dục đều phải thực hiện đúng cam kết đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất và an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó, cần thực hiện tốt “10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm”; sử dụng các phần mềm để xây dựng khẩu phần ăn, thiết lập dưỡng chất, thực đơn hợp lý. Các trường chỉ được ký kết hợp đồng mua sản phẩm, thực phẩm có nguồn gốc từ động vật với các cơ sở, cá nhân bảo đảm các điều kiện về ATTP, có đầy đủ phiếu kiểm dịch hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định của Bộ Y tế. Đối với các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú chưa đạt quy chuẩn bếp một chiều, cần phải bố trí, sắp xếp theo quy trình một chiều, từ nguyên liệu đầu vào, sơ chế, nấu nướng, chia đồ, phục vụ đến dọn vệ sinh. Đồng thời, nhà trường tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng bếp một chiều đạt quy chuẩn.
Giờ ăn của trẻ tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Diên Khánh. |
- Đối với các khoản thu, chi phục vụ công tác bán trú thì thực hiện trên cơ sở nào, thưa ông?
- Các trường thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT về việc thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 23-9-2022 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2022 - 2023. Các khoản thu, chi phục vụ công tác bán trú phải được quản lý chặt chẽ theo quy định tài chính hiện hành, có chứng từ đầy đủ, hợp lệ, rõ ràng; thực hiện công khai tài chính, thực đơn hàng ngày, niêm yết ở những nơi dễ thấy để cha mẹ trẻ và cán bộ, giáo viên, nhân viên được biết. Tiền ăn của trẻ phải chi hết trong ngày, nếu dư thì không quá 10.000 đồng/ngày. Các trường không được dùng tiền ăn của trẻ vào mục đích khác và nghiêm cấm việc bớt xén, xâm phạm khẩu phần ăn của trẻ. Sở khuyến khích các trường tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác tổ chức bán trú và quản lý hồ sơ bán trú phù hợp với điều kiện thực tế. Riêng các cơ sở giáo dục mầm non phải hoàn thành dữ liệu hệ thống quản trị trường mầm non đầy đủ, chính xác để thực hiện quản lý ăn bán trú đồng bộ trên hệ thống quản trị trường mầm non.
- Xin ông cho biết, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp đối với việc thực hiện công tác bán trú tại các trường như thế nào?
- Phòng GD-ĐT có trách nhiệm quản lý chặt chẽ các cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú trên địa bàn; chỉ cho phép tổ chức khi có đầy đủ các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, nhân sự, ATTP và các quy định liên quan khác. Đồng thời, phải xây dựng kế hoạch kiểm tra tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn có tổ chức bán trú, ít nhất 2 lần/cơ sở giáo dục/năm học. Trong đó, kiểm tra về việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ nhân viên bán trú; trách nhiệm và quyền hạn từng nhân viên nấu ăn, bảo mẫu; thực hiện nhiệm vụ theo lịch phân công; tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên tham gia các buổi tập huấn; khám sức khỏe định kỳ... Cùng với đó, kiểm tra việc đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất bán trú, như: Khu vực bếp nấu, nhà ăn; hệ thống chiếu sáng, cung cấp nước, xử lý rác thải; trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm… Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện quy trình bán trú, gồm: Hệ thống các loại hồ sơ sổ sách; thực đơn theo mùa, theo tuần; thực hiện tính khẩu phần ăn hàng ngày; bếp ăn theo quy trình một chiều; thời gian hoạt động bán trú; việc lưu mẫu thức ăn; công khai tài chính và thực đơn với cha mẹ trẻ; các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… Trong quá trình kiểm tra, cần hướng dẫn, xử lý kịp thời những đơn vị, cá nhân vi phạm. Nếu cơ sở giáo dục vi phạm các quy định về công tác bán trú, ATTP thì phòng GD-ĐT xem xét, cân nhắc, quyết định khi chấm điểm thi đua cuối năm học; vi phạm nghiêm trọng thì xem xét cho tạm dừng việc tổ chức bán trú để chấn chỉnh, khắc phục. Các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch tổ chức tự kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những biểu hiện sai phạm trong công tác bán trú. Hiệu trưởng là người chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cấp trên đối với những vi phạm xảy ra tại trường mình.
- Xin cảm ơn ông!
H.NGÂN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin