Chiều 30-11, tại Nha Trang, Cục Thủy lợi phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tổ chức Hội nghị công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm phạm bảo vệ công trình thủy lợi. Hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các chi cục thủy lợi, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi trên cả nước đã về dự.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Theo thống kê chưa đầy đủ, giai đoạn 2018 - 2022, trên cả nước đã phát hiện gần 57.000 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Phổ biến là vi phạm về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi; đổ nước thải, rác thải, chất thải xuống công trình thủy lợi; gây cản trở dòng chảy… Hình thức xử lý các vi phạm này chủ yếu vẫn là nhắc nhở, cảnh cáo, việc áp dụng các biện pháp xử lý mạnh hơn như xử phạt, cưỡng chế, thu hồi… còn hạn chế nên chưa đủ sức răn đe.
Tại Khánh Hòa, việc vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình thủy lợi vẫn còn xảy ra. Một số hộ dân đã trồng cây, nuôi cá trong phạm vi công trình thủy lợi; một số hộ dân có diện tích đất chồng lấn với phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước chưa được xử lý dứt điểm; một số tuyến kênh mương chạy trong khu dân cư, dễ bị xâm lấn trái phép…
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo chuyên đề về công tác phối hợp, kiểm tra xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tình hình vi phạm và xử lý vi phạm công trình thủy lợi; một số vấn đề về bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi; chuyên đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi.
Cùng với nêu ra thực trạng, những thuận lợi khó khăn, bất cập trong việc xử lý vi phạm an toàn công trình thủy lợi, hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận về các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ công trình thủy lợi và môi trường; trong đó bao gồm các đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủy lợi cho phù hợp với tình hình hiện nay.
H.Đ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin