09:27, 23/11/2023

Hãy bỏ thuốc lá vì sức khỏe cộng đồng

ĐẶNG HỒNG HOA

Theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng nhằm giảm các nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra. Đồng thời, bảo đảm quyền được sống, làm việc và học tập trong môi trường không khói thuốc lá của người dân.

Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, trong thời gian qua đã có sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi của công chức, viên chức, người lao động và người dân về việc hút thuốc, hầu như không còn hiện tượng công chức, viên chức hút thuốc trong phòng họp, phòng làm việc. Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá chung cho cả nam và nữ năm 2015 là 22,5% đến năm 2020 giảm còn 21,7%; đối với nam giới tỷ lệ hút thuốc lá từ 45,3% giảm còn 42,3%; nữ giới tỷ lệ hút thuốc lá từ 1,1% tăng lên 1,7%. Đối với hít thuốc lá thụ động, năm 2015 tỷ lệ người hít thuốc lá thụ động tại nơi làm việc là 42,6% đến năm 2020 giảm còn 30,9%; tại nhà giảm từ 60 xuống 56%; tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán cà phê, quán bar, trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đề ra mục tiêu với 2 giai đoạn. Giai đoạn 2030 - 2025, mục tiêu là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, café xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%; ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, đối với nam giới giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá xuống dưới 36%; nhóm nữ xuống dưới 1%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, café xuống dưới 60%; tại khách sạn xuống dưới 50%.

Nhân viên y tế huyện Khánh Sơn được tập huấn về tư vấn cai nghiện thuốc lá
Nhân viên y tế huyện Khánh Sơn được tập huấn về tư vấn cai nghiện thuốc lá

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tại tỉnh Khánh Hòa, những năm qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố, phòng y tế, trung tâm y tế, bệnh viện… tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá; về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này; các hành động để xây dựng đơn vị, cơ quan không khói thuốc lá; cộng đồng không có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… Các cơ quan, đơn vị được cung cấp đầy đủ các tài liệu, các bài giảng; các biện pháp tổ chức hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với cơ quan, đơn vị. Qua triển khai tập huấn, đã có gần 1.500 cán bộ, nhân viên các ban ngành, cơ quan đơn vị được đào tạo trở thành mạng lưới cộng tác viên về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cộng đồng. Đội ngũ cộng tác viên trên tích cực vận động, hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hiện nay các bộ ngành Trung ương đang xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá. Lộ trình đảm bảo đến năm 2030 mức tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Đối với việc ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới trong cộng đồng, nhất là ngăn ngừa việc bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên sẽ có những quy định chặt chẽ hơn. Hiện nay, đang có những nghiên cứu, đề xuất mở rộng các khu vực cấm hút thuốc lá hoàn toàn; biện pháp xử phạt phù hợp đối với hành vi vi phạm có quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá; đặc biệt là hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm.

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra ít nhất 25 năm của bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, bệnh phổi tác nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch. Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 chất hóa học, trong đó chất nicotin là chất gây nghiện; có khoảng 69 chất gây ra bệnh ung thư. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, trong số 1,3 tỷ người hút thuốc lá trên thế giới, 80% số người hút thuốc lá là ở các nước có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Có khoảng 8 triệu người tử vong trên toàn cầu mỗi năm có nguyên nhân từ việc sử dụng thuốc lá; hoặc hút thuốc lá thụ động. “Hơn lúc nào hết, vì một cộng đồng không khói thuốc, hãy từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay” -  bác sĩ Toàn nhấn mạnh.

ĐẶNG HỒNG HOA

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)