21:35, 12/11/2023

Gỡ khó cho công tác chuyển đổi số

Từ đầu năm đến nay, công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc tại một số cơ quan, địa phương.

Còn vướng mắc

Theo báo cáo kết quả hoạt động chuyển đổi số 10 tháng năm 2023 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, trong quá trình triển khai hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan, địa phương vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định định mức trang thiết bị phần cứng, phần mềm khi ban hành quyết định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị. Quá trình triển khai các mô hình thuộc kế hoạch phối hợp giữa Tổ công tác Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ và Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Khánh Hòa còn gặp một số khó khăn, như: Một số mô hình chưa có hướng dẫn giải pháp thực hiện và làm rõ cách thức khai thác dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hướng dẫn về định mức cho việc đầu tư mua sắm trang thiết bị còn chậm...

Đoàn viên, thanh niên huyện Khánh Sơn hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục đăng ký định danh điện tử. Ảnh minh họa
Đoàn viên, thanh niên huyện Khánh Sơn hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục đăng ký định danh điện tử. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, việc thực hiện đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh trên hệ thống thông tin quốc gia theo thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp chưa có sự đồng bộ, liên thông nên hiện nay phải thực hiện trên cả hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư và Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh. Khi triển khai các ứng dụng công nghệ số phục vụ cộng đồng, do người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin (CNTT) nên mất nhiều thời gian, công sức hướng dẫn cài đặt, cách thức sử dụng; ở một số địa phương, tỷ lệ người dân dùng điện thoại thông minh còn thấp nên khó triển khai, nhân rộng mô hình. Hạ tầng CNTT chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong kết nối, liên thông, chia sẻ, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu của ngành với tỉnh và Trung ương. Nguồn nhân lực CNTT còn thiếu, ảnh hưởng đến việc tham mưu và triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ngoài ra, một số nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch vẫn còn gặp những khó khăn, như: Nhiều địa phương chưa chủ động cân đối nguồn kinh phí để đầu tư mua sắm bổ sung thiết bị, triển khai phương án kết nối với thiết bị tập trung của tỉnh để bảo đảm chất lượng tín hiệu các cuộc họp trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Tính đến cuối tháng 10, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh mới đạt 47% trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), thấp hơn mức chỉ tiêu tối thiểu do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao...

Tìm hướng tháo gỡ

Tại phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh diễn ra vào đầu tháng 11, ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND tỉnh sớm xem xét, phê duyệt danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh; danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần; danh mục dịch vụ công thực hiện bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh; quan tâm, đảm bảo biên chế của Sở Thông tin và Truyền thông để bảo đảm công tác tham mưu chuyển đổi số của tỉnh phát huy hiệu quả. Để hoàn thành nhiệm vụ do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao tỷ lệ tối thiểu tiếp nhận hồ sơ trực tuyến phải đạt 50% trên tổng số hồ sơ TTHC, các cơ quan, địa phương cần đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến thuộc lĩnh vực, phạm vi phụ trách.

10 tháng qua, toàn tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 203.224 hồ sơ trực tuyến (đạt hơn 47% trên tổng số hồ sơ TTHC). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 943 tổ công nghệ số cộng đồng và thực hiện Đề án 06 với 7.831 thành viên. Tổng kinh phí sự nghiệp đã bố trí cho hoạt động chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 trong 10 tháng hơn 29,4 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, thành phố sẽ cố gắng để đạt tỷ lệ giải quyết TTHC trực tuyến theo quy định, nhưng để hoạt động này đạt kết quả mang tính lâu dài, bền vững cần nâng cao chất lượng trang thiết bị máy móc; thủ tục giản đơn yêu cầu người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà hoặc trụ sở UBND thành phố và các xã, phường; thực hiện chính sách giảm 50% kinh phí nộp hồ sơ trực tuyến cho người dân, đồng thời có cơ chế bù kinh phí cho các cơ quan, địa phương để khuyến khích việc làm hồ sơ trực tuyến.

Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, công tác chuyển đổi số của tỉnh đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tỉnh đã xây dựng được kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số của tỉnh với từng danh mục chi tiết, rõ ràng. Trên cơ sở đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh chỉ tập trung đầu tư vào các danh mục đó, hạn chế thấp nhất những phát sinh, bổ sung trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Đối với những khó khăn trong quá trình triển khai thời gian qua, có những việc còn chậm do vướng về tiêu chuẩn định mức cho thiết bị phần cứng, phần mềm. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã có kiến nghị, xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này để có hướng tháo gỡ. Hiện nay, tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập nhưng hoạt động chưa mạnh, để duy trì về lâu dài cần có chế độ hỗ trợ cho những người tham gia, tập huấn kỹ năng và có tổng kết đánh giá. Đối với việc nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC, cần phấn đấu đạt tỷ lệ thấp nhất là 50% theo quy định. Sở Nội vụ cần tham mưu cụ thể những thủ tục nào bắt buộc phải nộp trực tuyến để các cơ quan, địa phương thực hiện.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Sở Thông tin và Truyền thông cần chủ động báo cáo với lãnh đạo tỉnh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Từ nay đến trước ngày 31-12, phải hoàn thành, nâng cấp hệ thống họp trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông cần rà soát lại số lượng, nhu cầu cụ thể về viên chức sự nghiệp ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Dữ liệu tỉnh để kịp thời tuyển dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tỉnh đạt 50% trên tổng số hồ sơ TTHC theo đúng chỉ tiêu của Trung ương đưa ra. Nghiên cứu chính sách hợp lý đối với các tổ công nghệ số cộng đồng nhằm duy trì hoạt động lâu dài, ổn định…

GIANG ĐÌNH