Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi trên địa bàn tỉnh đã đem lại những kết quả tích cực. Trong đó, việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa do người dân sản xuất vào hệ thống phân phối siêu thị được các địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, sản phẩm đưa vào các siêu thị vẫn còn rất hạn chế so với thực tế sản xuất.
Một số sản phẩm có mặt trên kệ siêu thị
Siêu thị Co.opmart Nha Trang là một trong những đơn vị thường xuyên đồng hành, phối hợp với các sở, ban, ngành trong các hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và ĐBDTTS nói riêng. Thời gian qua, dưới sự kết nối của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, siêu thị đã dành một khu vực chuyên bán và trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP của các địa phương trong và ngoài tỉnh, được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm mua sắm. Mặt khác, siêu thị đã kết nối với một số đơn vị thu mua lớn, hợp tác xã (HTX) tại huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đưa sản phẩm đạt chất lượng của ĐBDTTS và miền núi vào kênh phân phối thường xuyên của siêu thị, như: Sầu riêng, bưởi da xanh, măng khô, chuối, mía… Ông Võ Phi Hải - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết: “Các sản phẩm của người dân Khánh Sơn, Khánh Vĩnh trước khi đưa vào siêu thị đều được kiểm nghiệm đầy đủ; người dân thực hiện khá tốt những tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP. Siêu thị mong muốn sẽ có nhiều hơn sản phẩm của người dân trên địa bàn tỉnh được đưa vào tiêu thụ, nhất là sản phẩm của ĐBDTTS và miền núi”.
Người dân chọn mua bưởi da xanh Khánh Vĩnh tại Siêu thị Co.opmart Nha Trang. |
HTX Sản xuất và thu mua nông sản Hiệu Linh tại thị trấn Khánh Vĩnh là đơn vị duy nhất trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh tham gia cung cấp sản phẩm bưởi da xanh cho Siêu thị Co.opmart Nha Trang. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, HTX đưa vào siêu thị hơn 2 tấn bưởi da xanh được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt sản phẩm OCOP do HTX và một số ĐBDTTS trên địa bàn trồng. Ông Đoàn Văn Hưởng - Giám đốc HTX cho biết, HTX có 15 thành viên và 17 hộ liên kết trên địa bàn với tổng diện tích gần 50ha, thu hoạch hơn 200 tấn/năm. Các thành viên của HTX và hộ liên kết đều được HTX hỗ trợ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Việc đưa được sản phẩm vào Co.opmart Nha Trang tiêu thụ là nguồn thúc đẩy to lớn cho việc phát triển sản xuất của đơn vị và một số người dân trên địa bàn huyện, đánh dấu sự phát triển sản phẩm vượt bậc bởi để đưa được sản phẩm vào siêu thị, người trồng phải trải qua quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt, đảm bảo về an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Thời gian qua, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân tại các địa phương. Việc hỗ trợ tiêu thụ vào hệ thống phân phối hiện đại đã góp phần hình thành thị trường cho các sản phẩm vùng ĐBDTTS và miền núi. Tuy vậy, việc đưa hàng hóa của ĐBDTTS và miền núi vào hệ thống các siêu thị vẫn còn nhiều hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của các địa phương. Nguyên nhân chính do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng thương mại còn hạn chế, chưa có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX đứng ra chịu trách nhiệm kết nối cho người dân.
Theo ông Đoàn Văn Hưởng, thời gian qua, HTX thường xuyên vận động người dân đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng ít người làm, chủ yếu sản xuất theo kiểu “ăn xổi ở thì” nên sản phẩm không đạt chất lượng, bán trôi nổi trên thị trường. Một phần do kinh tế của người dân còn khó khăn, khó có điều kiện đầu tư sản xuất theo quy trình. Trong khi đó, việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp, HTX tại các địa phương tạo thành chuỗi liên kết sản xuất chưa nhiều, mới dừng lại ở việc hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Các HTX phải tự bỏ vốn ra để hỗ trợ người dân đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phân bón, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên việc hỗ trợ không được nhiều. Vì vậy, HTX kiến nghị tỉnh hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để HTX có điều kiện hỗ trợ sản xuất kịp thời cho người dân, sản phẩm làm ra mới đạt chất lượng.
Qua tìm hiểu ở một số siêu thị được biết, trở ngại lớn nhất là các địa phương chỉ tập trung sản xuất một số nhóm sản phẩm, dẫn đến sản lượng thì nhiều nhưng siêu thị tiêu thụ không được nhiều, bởi tính chất của siêu thị là bán cho người tiêu dùng hàng ngày, nhập đến đâu bán đến đó nhằm đảm bảo sản phẩm tươi ngon nên không thể nhập một lúc mấy chục tấn của 1 đến 2 sản phẩm. Khi các HTX, địa phương chỉ tập trung sản xuất một nhóm sản phẩm, dù sản phẩm chất lượng tốt cũng khó tiêu thụ được nhiều.
Ông Võ Phi Hải cho biết, hiện nay, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP của tỉnh nói chung và ĐBDTTS nói riêng chủ yếu thực phẩm tươi, theo mùa vụ; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tính liên kết thấp; việc quảng bá thương hiệu sản phẩm của tỉnh vẫn còn hạn chế. Thực tế, ngoài Co.opmart Nha Trang, hiện nay, các hệ thống siêu thị lớn đều có mặt tại Khánh Hòa, như: Go!, Bách hóa xanh, Vinmart+, MM Mega, Lotte… Đây là một lợi thế rất lớn để tỉnh chủ động làm việc với họ đưa sản phẩm của địa phương vào tiêu thụ. Ngoài ra, địa phương cần chủ trì vận động các doanh nghiệp, HTX tại địa phương (đảm bảo tính pháp lý) đại diện người dân trực tiếp giới thiệu và tiếp thị sản phẩm tới các đơn vị bán lẻ, nhất là sản phẩm của ĐBDTTS. Việc từng cá nhân trực tiếp làm việc, tiếp thị sản phẩm của mình cho các siêu thị, nhà phân phối là không khả thi và khó đạt hiệu quả. Mặt khác, địa phương phải có quy hoạch vùng sản xuất, sản phẩm phải phong phú và đa dạng mặt hàng, chủ động kiểm soát chặt từ khâu sản xuất đến chăm sóc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, duy trì chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng khi nhà phân phối xuống nhận hàng lại không đạt chất lượng.
CẨM VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin