Trong năm 2023, cả hệ thống chính trị của TP. Cam Ranh đã vào cuộc, phối hợp thực hiện lồng ghép nhiều chương trình để hỗ trợ người nghèo được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, tính đến đầu tháng 11, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm xuống còn 1%, vượt kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo còn 1%
Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Cam Ranh, thời gian qua, thành phố luôn chú trọng thực hiện chương trình giảm nghèo kết hợp với các nguồn lực từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi. Bên cạnh đó, thành phố cũng quan tâm dành nguồn vốn khuyến nông, khuyến lâm, gắn với giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người nghèo; vận động các doanh nghiệp hỗ trợ xây nhà cho người nghèo; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo, cận nghèo…
Mô hình nuôi cá mú Trân Châu ở xã Cam Thịnh Đông giúp người dân thoát nghèo. |
Trong năm 2023, thành phố đã triển khai Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững với tổng kinh phí hơn 370 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo và kêu gọi xã hội hóa, thành phố đã xây mới, sửa chữa gần 100 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, thành phố đã cấp gần 15.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, ĐBDTTS, người sinh sống ở vùng điều kiện khó khăn với kinh phí gần 6 tỷ đồng; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho hơn 1.000 người nghèo, ĐBDTTS với tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng. Về chính sách tín dụng, đã có gần 300 hộ nghèo được vay ưu đãi với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng; hơn 1.500 hộ cận nghèo được vay ưu đãi với tổng số tiền hơn 89 tỷ đồng. Từ số tiền vay ưu đãi này, nhiều hộ đã phát triển mô hình chăn nuôi dê, cừu, nuôi cá mú, trồng cây ăn trái, vươn lên thoát nghèo.
Bà Phạm Thị Ngọc Ánh - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Cam Ranh cho biết, nhằm giúp người lao động có nhu cầu tìm việc làm được tiếp cận thông tin đầy đủ, thành phố thường xuyên chuyển tải thông tin về nhu cầu đào tạo và tuyển dụng lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, phòng đang triển khai đào tạo nghề cho hơn 200 thanh niên vùng DTTS tại xã Cam Thịnh Tây và thôn Giải Phóng (xã Cam Phước Đông). Đồng thời, triển khai 5 mô hình trình diễn ứng dụng các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp mới, tiên tiến, có hiệu quả và năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, gồm: Trình diễn giống lúa mới chất lượng cao tại 2 xã Cam Thịnh Đông và Cam Phước Đông; trồng mãng cầu Thái tại phường Cam Nghĩa; trồng thâm canh xoài Keitt tại 2 xã Cam Phước Đông và Cam Thành Nam; mô hình nuôi thương phẩm cá mú Trân Châu sử dụng thức ăn công nghiệp tại xã Cam Lập; nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn tại xã Cam Thịnh Đông. Các mô hình đã giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật, giống cây, con mới vào mô hình sản xuất nông nghiệp, từ đó góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình. Nhờ vậy, tính đến tháng 11, tổng số hộ nghèo, cận nghèo toàn thành phố là 2.053 hộ, chiếm tỷ lệ 5,34%. Trong đó, có 386 hộ nghèo, tỷ lệ 1%, giảm 202 hộ so với đầu năm; 1.667 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,34%, giảm 543 hộ so với đầu năm.
Xác định mô hình phù hợp để thoát nghèo
Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, chương trình giảm nghèo được thành phố xác định là một trong các chương trình trọng tâm. Các ngành, đoàn thể từ thành phố đến xã, phường đã phối hợp tổ chức thực hiện, kết hợp lồng ghép nhiều chương trình như: Giải quyết việc làm, đào tạo nghề, vay vốn, tổ chức các lớp hỗ trợ kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, áp dụng khoa học vào sản xuất và nuôi trồng thủy sản... Từ đó, người nghèo được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước kịp thời. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhận thức của một số hộ nghèo còn hạn chế, chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo; một bộ phận còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác phân tích, đánh giá thực trạng và nguyên nhân nghèo của một số địa phương chưa chính xác, từ đó dẫn đến việc xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp giảm nghèo còn chung chung, chưa phù hợp với thực trạng hộ nghèo của địa phương mình.
Ông Hà Thế Ân - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp đến hộ gia đình bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm thực hiện đạt các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương. Đặc biệt, thành phố chú trọng phân bổ, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; chỉ đạo các xã, phường thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch các chính sách giảm nghèo; rà soát và phân loại các chiều thiếu hụt của hộ nghèo để xác định biện pháp hỗ trợ phù hợp. Các cấp, ngành cũng thường xuyên phổ biến các cách làm hay, mô hình hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và khuyến khích người nghèo học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong phát triển sản xuất để giảm nghèo có hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo, nhất là hỗ trợ về nhà ở.
VĂN KỲ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin