Một nghiên cứu khoa học cho thấy, chỉ trong vài phút đầu tiên sau hút thuốc, nhịp tim tăng lên, có thể lên đến 30% trong vòng 10 phút và không trở về bình thường nếu không ngừng hút thuốc.
Ảnh hưởng hệ tim mạch
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh lý tim mạch thường gặp ở người nghiện thuốc lá là xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, phình động mạch chủ và tăng huyết áp.
Nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tác tại của thuốc lá tại cơ sở y tế của tỉnh. |
Nguyên nhân là chất Carbon monoxide có nhiều trong thuốc lá, khi hút nồng độ chất này tăng lên gây tổn thương đến lòng mạch, dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa. Hút thuốc lá làm giảm chất HDL-cholesterol, một loại chất có lợi cho sức khỏe, làm tăng LDL-cholesterol, là chất có hại, góp phần tăng thêm tình trạng xơ vữa động mạch. Các hóa chất độc hại trong khói thuốc lá có thể gây ra các cục máu đông, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đột quỵ não. Theo thống kê, khoảng 1/4 trong tổng số các trường hợp đột quỵ có liên quan trực tiếp đến hút thuốc lá.
Đối với mạch vành nuôi tim, hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh cho hệ mạch vành, kể cả người hút thuốc lá thụ động. Tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành bị hẹp và tắc mà không có biện pháp can thiệp y tế kịp thời là rất cao, trên 70%. Người nghiện thuốc lá sẽ có tình trạng loạn nhịp tim do khói thuốc lá làm tăng tiết chất Catecholain. Hút thuốc lá hình thành nên các mảng xơ vữa ở động mạch chủ, làm cản trở việc cung cấp máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể. Khi động mạch chủ bị hẹp do mảng xơ vữa sẽ tạo thành những chỗ phình to, động mạch có thể yếu, vỡ, đe dọa tính mạng. Các nghiên cứu cho thấy, người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ bị phình động mạch chủ cao gấp 8 lần so với bình thường.
Bác sĩ Toàn cảnh báo, hút thuốc lá thường xuyên có thể gây phá hủy mạch máu trầm trọng, gây ra những cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Hiện nay, độ tuổi xuất hiện tình trạng nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ; có nhiều biến chứng nguy hiểm hơn. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, người hút thuốc lá có nguy cơ nhồi máu cơ tim cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc lá. Vì thế, đối với người hút thuốc lá lâu năm, cần khám, tầm soát bệnh tim mạch định kỳ để phòng ngừa nguy cơ và có hướng xử trí kịp thời khi có biến chứng nguy hiểm.
Tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) nêu nguyên tắc: Bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá. Để thực hiện nguyên tắc này, Luật PCTHCTL quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong PCTHCTL; quy định các địa điểm cấm hút thuốc; quyền, nghĩa vụ của công dân trong PCTHCTL; nghĩa vụ của người hút thuốc; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá.
Từ năm 2015, Quỹ PCTHCTL đã áp dụng thí điểm bộ tài liệu hướng dẫn các bước xây dựng môi trường không thuốc lá tại các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở áp dụng thành công tài liệu thí điểm, năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành bộ tài liệu hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc tại các địa điểm công cộng. Bộ tài liệu đã giúp các cơ quan, đơn vị và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc thống nhất các bước xây dựng môi trường không khói thuốc theo đúng quy định của Luật PCTHCTL.
Trên cơ sở tài liệu hướng dẫn, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc với nhiều hoạt động thiết thực. Theo đó, các đơn vị, cơ quan từ cấp tỉnh, thành phố đến thị xã, huyện đều thành lập ban chỉ đạo về PCTHCTL và có các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện; đưa nội dung PCTHCTL vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy, quy chế nội bộ, văn hóa công sở; tổ chức ký cam kết đối với từng cán bộ, công chức, viên chức không hút thuốc lá tại nơi làm việc, đưa vào chỉ tiêu thi đua xếp loại, công tác thi đua khen thưởng cuối năm. Đồng thời, treo biển cấm hút thuốc lá tại phòng làm việc, phòng họp, hành lang, các khu vực công cộng, hầm để xe của cơ quan, đơn vị; treo, dán các khẩu hiệu tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, biển báo “cấm hút thuốc” tại những nơi quy định. Song song đó, phổ biến về phương pháp cai nghiện thuốc lá; mức xử phạt các hành vi vi phạm về hút thuốc lá không đúng nơi quy định...
Bác sĩ Toàn cho biết, hút thuốc lá gây ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể, đến sức khỏe gia đình và cộng đồng. Vì vậy, người hút thuốc lá cần quyết tâm bỏ hút thuốc lá bằng chế độ tập luyện và dinh dưỡng phù hợp.
ĐẶNG HỒNG HOA (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin