Hiện nay đã vào mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động, ngoài sự chủ động của ngư dân, còn có sự đồng hành của các lực lượng chức năng nhằm hỗ trợ ngư dân trong những tình huống thời tiết nguy hiểm.
Tàu cá đảm bảo an toàn mới xuất bến
Những ngày qua, tại cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang), hàng trăm tàu cá trong và ngoài tỉnh làm thủ tục xuất bến, đưa tàu vươn khơi khai thác hải sản ở vùng biển xa. Ngư dân Trần Son - chủ tàu KH 96255 TS (phường Vĩnh Phước, Nha Trang) chia sẻ: “Đi biển mùa này sợ nhất là bão, sóng to, gió lớn. Để đảm bảo an toàn cho chuyến biển dài ngày, cách đây 3 tháng, tôi đã cho tàu lên đà để làm nước, kiểm tra, sửa chữa máy móc, thiết bị hàng hải, máy thông tin liên lạc, tín hiệu, trang thiết bị cứu sinh… Trước khi làm thủ tục xuất bến, tôi còn kiểm tra lại toàn bộ trang thiết bị trên tàu để giảm thiểu rủi ro khi đi biển”.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện cứu sinh trên tàu cá trước khi làm thủ tục cho tàu xuất bến. |
Theo thống kê, rà soát của Chi cục Thủy sản, hiện nay, toàn tỉnh có 3.191 tàu cá với hàng chục nghìn lao động khai thác hải sản trên biển, trong đó có 660 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động ở vùng biển xa. Công tác đảm bảo an toàn khi sản xuất trên biển được cơ quan chức năng và cộng đồng ngư dân trong tỉnh chú trọng. Công tác đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá được triển khai nghiêm ngặt nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tàu cá bị hỏng trên biển. Trước mỗi mùa mưa bão, cơ quan chuyên môn đều tiến hành kiểm tra đồng loạt các tàu cá; nhắc nhở ngư dân trang bị các thiết bị cần thiết trước khi vươn khơi. Nhờ đó, tình trạng tàu cá gặp nạn trên biển giảm nhiều. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5 tàu cá bị nạn trên biển, trong đó có 2 tàu bị chìm, 1 tàu cá bị hỏng máy, 2 tàu cá có 2 lao động bị tai nạn.
Theo ông Nguyễn Văn Ba - Trưởng Ban quản lý cảng Hòn Rớ, để đảm bảo an toàn cho tàu cá sản xuất trên biển, vấn đề quan trọng là tàu cá phải được trang bị đầy đủ và đảm bảo an toàn thì mới rời cảng. Khi sản xuất trên biển, ngư dân phải thường xuyên giữ liên lạc, bật thiết bị giám sát để được các cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời. Khi gặp điều kiện thời tiết nguy hiểm, ngư dân phải tuân thủ hướng dẫn, đưa tàu thoát ra khỏi vùng biển nguy hiểm, đến nơi tránh trú an toàn… Trong quá trình làm thủ tục xuất bến cho tàu cá vươn khơi, các lực lượng tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Hòn Rớ kiểm tra, kiểm soát rất kỹ các hồ sơ về đăng ký, đăng kiểm tàu cá, văn bằng, chứng chỉ, danh bạ thuyền viên…; đồng thời kiểm tra thực tế việc trang bị thiết bị giám sát hành trình tàu cá, thiết bị hàng hải, máy thông tin liên lạc, định vị và các trang bị cứu sinh, cứu hỏa. Chỉ những tàu đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị theo quy định mới được vươn khơi.
Đồng hành với ngư dân
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, để đồng hành với ngư dân bám biển, Trung tâm giám sát tàu cá tại Chi cục Thủy sản đã bố trí lực lượng trực ban 24/7, theo dõi hoạt động khai thác của toàn bộ tàu cá trên biển; duy trì thông tin liên lạc với gia đình chủ phương tiện, thuyền viên, kịp thời phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các tàu bị nạn. Những năm qua, Chi cục Thủy sản còn đẩy mạnh việc tổ chức hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân theo mô hình tổ, đội nhằm đoàn kết, giúp nhau mỗi khi có tình huống bất ngờ trên biển.
Tàu cá neo đậu tại vùng nước cảng Hòn Rớ (Nha Trang). |
Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 8 nghiệp đoàn nghề cá với hàng trăm tàu khai thác xa bờ tham gia. Chi cục Thủy sản tích cực vận động các tàu cá tham gia 80 tổ hợp tác sản xuất an toàn trên biển, mỗi tổ có từ 5 đến 8 tàu cá. Các tổ hợp tác liên kết với nhau khá chặt chẽ về mặt cơ cấu, tổ chức hoạt động, thường xuyên hỗ trợ nhau khi hoạt động trên biển. “Nhờ hoạt động theo mô hình tổ đội nên khi tàu cá của gia đình tôi gặp nạn trên biển tháng 6 vừa qua đã được tàu cá trong cùng tổ đội ứng cứu kịp thời, toàn bộ 10 ngư dân được đưa lên tàu bạn an toàn, tàu cá cũng được hỗ trợ kéo về bờ để sửa chữa”, ông Nguyễn Thiện - chủ tàu cá KH 91054 TS ở phường Vĩnh Phước kể.
Để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho ngư dân những kiến thức về thông tin liên lạc, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, trong tháng 9 và 10 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII và Đài Thông tin Duyên hải Nha Trang tổ chức nhiều đợt tập huấn cho hàng trăm chủ tàu cá tại các địa phương ven biển của Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Qua tập huấn, ngư dân được cập nhật các thông tin về quy định của pháp luật khi sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện; được hướng dẫn chi tiết để khai thác máy bộ đàm tầm xa và tầm gần; sử dụng các thiết bị vô tuyến điện để liên lạc với các tổ chức, đơn vị khi gặp sự cố trên biển...
Việc đảm bảo cho tàu cá về nơi tránh trú cũng được chú trọng. Hiện nay, ngoài Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải (Ninh Hòa), trên địa bàn tỉnh còn có cảng Hòn Rớ, cũng như cảng Đá Bạc (Cam Ranh) và nhiều địa điểm kín gió tàu thuyền có thể vào neo đậu tránh trú. Các ban quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh cũng đã sẵn sàng phương án hỗ trợ ngư dân, tàu cá trong và ngoài tỉnh vào neo đậu tránh trú bão.
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin