Hiện nay, chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất và sinh hoạt ngày càng nhiều, trong khi các cơ sở xử lý chất thải rắn chưa đáp ứng được yêu cầu nên đã tạo ra sức ép lớn trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với các địa phương tập trung rà soát, bố trí quỹ đất cho các khu xử lý chất thải rắn phù hợp theo quy hoạch được duyệt.
Nhiều bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh
Theo báo cáo của Sở TN-MT, đến nay, Khu Kinh tế Vân Phong đã thu hút được 153 dự án đầu tư, trong đó có 82 dự án đã đi vào hoạt động. Lượng chất thải rắn sinh hoạt từ khu kinh tế hơn 14,4 tấn/ngày, chất thải rắn công nghiệp thông thường gần 83,4 tấn/ngày. Chất thải rắn phát sinh từ Khu Kinh tế Vân Phong hầu hết được phân loại, thu gom và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý; riêng các doanh nghiệp ở một số vùng ven biển còn gặp khó khăn do chưa có đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác triệt để. Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 14 cụm công nghiệp. Đến nay, đã có 6 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Qua kết quả kiểm tra mới đây của Sở TN-MT, 100% cơ sở sản xuất trong 6 cụm công nghiệp đã thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định; chất thải rắn phát sinh được chủ cơ sở ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy định.
Hố chôn lấp rác thải sinh hoạt tại bãi rác Hòn Rọ (xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa) vừa được nghiệm thu, thay thế bãi chôn lấp Hòn Rọ cũ đang quá tải. |
Theo bà Nguyễn Thị Lan - Phó Giám đốc Sở TN-MT, hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh về cơ bản được thực hiện khá tốt, nhất là ở khu vực đô thị, với tỷ lệ thu gom, vận chuyển đạt 98,7%. Tuy nhiên, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn chưa được triệt để, chỉ đạt khoảng 50 - 70%.
Trên địa bàn tỉnh chỉ có các bãi chôn lấp: Lương Hòa (TP. Nha Trang), Hòn Rọ (thị xã Ninh Hòa), Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại hầu hết các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương khác đều không hợp vệ sinh. Quy định phân loại rác thải tại nguồn vẫn chưa được triển khai rộng rãi cả về văn bản quy phạm pháp luật của địa phương lẫn thực tế ở hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Do đó, lượng rác thải phải chôn lấp khá lớn và lãng phí nguồn rác thải có thể tái sử dụng, tái chế; các bãi chôn lấp hiện hữu đang dần trở nên quá tải, làm phát sinh các tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe của cộng đồng.
Phấn đấu chất thải rắn được xử lý bằng các công nghệ đạt 85% vào năm 2030
Theo bà Lan, trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có dự án đầu tư về xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng các công nghệ tiên tiến (như: Điện rác, làm phân vi sinh, nhà máy phân loại, tái chế…) đủ khả năng đáp ứng về quy trình công nghệ, công suất tiếp nhận và xử lý khối lượng chất thải phát sinh tăng nhanh. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ và quyết liệt, để có thể tiết kiệm được diện tích chôn lấp cần phải xây dựng khu xử lý chất thải rắn có tính linh hoạt cao, có khả năng tái chế nhiều loại rác thải, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường và phù hợp với lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp mà Chính phủ quy định.
Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chuyên đề tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường mới đây, đồng chí Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh quy hoạch 13 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, 3 khu xử lý chất thải rắn công nghiệp; đồng thời nâng cấp, cải tạo và mở rộng cơ sở xử lý chất thải rắn hiện hữu. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn được xử lý bằng các công nghệ khác (tái chế, tái sử dụng, chế biến phân hữu cơ…) của tỉnh đạt 85%.
Hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bố trí quỹ đất cho các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khu xử lý chất thải rắn công nghiệp phù hợp theo quy hoạch được duyệt. Đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nguồn phát sinh chất thải lớn phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Thời gian tới, UBND tỉnh kiến nghị với HĐND tỉnh hàng năm xem xét tăng nguồn kinh phí cho hoạt động quan trắc môi trường nhằm đảm bảo thực hiện chương trình quan trắc đúng tần suất, số lượng vị trí theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh đến năm 2025; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện việc quan trắc, giám sát môi trường tại khu vực các bãi chôn lấp theo quy hoạch; hỗ trợ địa phương trong khắc phục ô nhiễm môi trường tạm thời tại các bãi rác không hợp vệ sinh; từng bước đóng cửa tất cả các bãi chôn lấp quy mô cấp xã và huyện không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trong công tác thanh tra, xử lý vi phạm việc chấp hành bảo vệ môi trường từ năm 2018 đến năm 2023, Sở TN-MT đã tiến hành 4 cuộc thanh tra, nhiều đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với 150 cơ sở; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 doanh nghiệp với tổng số tiền 137 triệu đồng. Sở TN-MT đã tiếp nhận và xử lý 7 đơn kiến nghị của tổ chức, cá nhân kiến nghị về công tác bảo vệ môi trường, chuyển 43 đơn đến đơn vị giải quyết; các huyện, thị xã tiếp nhận, xử lý hàng trăm đơn kiến nghị theo thẩm quyền.
THÁI THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin