Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 26-10, toàn tỉnh ghi nhận 161 trường hợp mắc bệnh sốt rét. Đến nay, đã có 159 bệnh nhân sốt rét ra viện, 2 trường hợp đang điều trị. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét.
Nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong số 161 trường hợp mắc bệnh sốt rét, huyện Khánh Vĩnh ghi nhận 151 ca bệnh, 10 trường hợp còn lại ở các huyện: Diên Khánh, Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và đều liên quan đến việc đi rừng, làm việc tại huyện Khánh Vĩnh. Đến nay, đã có 159 bệnh nhân sốt rét ra viện, 2 trường hợp đang điều trị.
Cán bộ y tế lấy máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét tại xã Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh). |
Kết quả điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đã tìm thấy muỗi Anophen trong các khu vực rừng rẫy ở Khánh Vĩnh. Đây là sinh vật trung gian đốt người bệnh sốt rét và truyền ký sinh trùng sốt rét sang cho người khác làm ca bệnh tăng lên. Hiện nay, các xã như: Khánh Thượng, Sơn Thái, Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh) là những vùng sốt rét lưu hành nặng, các ca bệnh sốt rét đều liên quan đến tập quán làm rẫy trong rừng sâu.
Nên ngủ mùng để phòng bệnh sốt rét
Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, người mắc bệnh sốt rét có thể chỉ xuất hiện các triệu chứng sốt rét thông thường, nhưng cũng có khi là sốt rét ác tính. Người bệnh sốt rét thường có những triệu chứng sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, thở nhanh, nhịp tim nhanh, ho, mệt mỏi, đau cơ khớp, tiêu chảy. Những triệu chứng ban đầu này thường không đe dọa tính mạng người bệnh. Tùy vào cơ địa mỗi người, bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nếu sốt điển hình, người bệnh sẽ trải qua 3 giai đoạn: Rét run - sốt - vã mồ hôi; còn sốt không điển hình, người bệnh có những biểu hiện chung như: Sốt không thành cơn hoặc sốt liên tục, ớn lạnh, rét, nổi da gà, một số trường hợp người bệnh có lách to, gan to, người xanh xao, thiếu máu.
Bệnh sốt rét gây thiếu máu do ký sinh trùng vào trong hồng cầu gây vỡ hàng loạt hồng cầu, người bệnh da xanh, môi thâm, mệt mỏi, gầy yếu. Trẻ em mắc bệnh sốt rét có thể còi cọc, chậm lớn. Phụ nữ có thai bị mắc bệnh sốt rét có thể sinh con bị mắc bệnh sốt rét bẩm sinh; trẻ em sinh ra có thể bị thiếu máu nặng, suy hô hấp, gan to, lách to, tổn thương đa cơ quan và có thể tử vong chỉ trong 72 giờ. Bệnh sốt rét được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, kịp thời thì hoàn toàn có cơ hội phục hồi, nhưng nếu để chậm trễ, phát hiện quá muộn có thể bệnh trở nặng, diễn biến nhanh khiến người bệnh có thể tử vong. “Một người vừa khỏi bệnh sốt rét có thể tái mắc bệnh vì có nhiều loại ký sinh trùng khác nhau. Mọi người đều có thể mắc bệnh sốt rét nếu sống và đi vào vùng rừng núi, nơi đang có bệnh sốt rét lưu hành và bị muỗi Anophen đốt”, bác sĩ Toàn lưu ý.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để không mắc bệnh sốt rét, người dân - nhất là ở huyện Khánh Vĩnh, địa phương đang có số ca mắc cao, cần thực hiện các biện pháp: Thường xuyên ngủ mùng có tẩm hóa chất diệt muỗi, nằm mùng ngay cả ban ngày. Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để đề phòng muỗi đốt, cần sử dụng nhang, kem xua muỗi. Mỗi gia đình cần vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi, phát quang, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải xếp gọn gàng, không treo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu. Người dân cần hợp tác tốt với cán bộ y tế khi triển khai phun thuốc và tẩm mùng. Thấy có triệu chứng của bệnh như: Đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng, sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
HỒNG HOA (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin