22:45, 24/10/2023

Nghị lực của những phụ nữ khuyết tật

LÊ NGÂN

Nhiều phụ nữ khuyết tật trên địa bàn TP. Cam Ranh đã mạnh mẽ vượt qua số phận, nỗ lực tự tìm những công việc phù hợp, qua đó tạo nguồn thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

Ngôi nhà nhỏ nơi chị Đặng Thị Vân sống cùng người dì lọt thỏm trong một con hẻm thuộc Tổ dân phố Thuận Lợi, phường Cam Thuận. Cơn sốt bại liệt năm 3 tuổi đã khiến đôi chân của chị mất khả năng hoạt động bình thường. Với suy nghĩ đã không đi được bằng đôi chân thì vẫn còn đôi tay, chị chọn việc đan móc, làm các sản phẩm handmade để bán. Chị tự lên YouTube học hỏi, tham gia các lớp học làm handmade online. Đến nay, chị đã tự tay làm được hàng trăm mẫu mã các loại, như: Móc khóa, túi xách, giày dép, mũ, bình hoa, hộp đựng giấy… với giá bán phù hợp với những đối tượng khách hàng khác nhau. Công việc này đã mang lại cho chị nguồn thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng.

Chị Đặng Thị Vân và các sản phẩm handmade do chị tự tay làm.
Chị Đặng Thị Vân và các sản phẩm handmade do chị làm.

Xuất thân từ gia đình nghèo khó, chị Võ Thị Kim Hoàn (Tổ dân phố Phú Hải, phường Cam Phú) bị khuyết tật bẩm sinh, cả chân và tay phải của chị bị khoèo và teo nhỏ do ảnh hưởng của chất độc da cam. Được sự động viên, hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ, chị đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn 50 triệu đồng, cùng em gái mua các dụng cụ, phương tiện để làm chả cá. Bằng nghị lực và sự cần cù, chăm chỉ của bản thân, chị đã duy trì được công việc làm và bán chả cá gần 7 năm nay. Chị cho biết, mỗi ngày chị làm 5-6kg chả cá, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, cũng phần nào ổn định cuộc sống.

Chị Võ Thị Kim Hoàn thực hiện các công đoạn làm chả cá.
Chị Võ Thị Kim Hoàn thực hiện các công đoạn làm chả cá.

Tuy may mắn hơn chị Vân, chị Hoàn khi có gia đình nhỏ nhưng hoàn cảnh của chị Phạm Thị Nghiệp (thôn Trà Sơn, xã Cam Phước Đông) cũng rất éo le. Lập gia đình được 10 năm thì chồng chị bị tai nạn mất, để lại 5 người con. Sau đó, chị bị một cơn bạo bệnh làm liệt nửa người. Qua các đợt điều trị, chị dần hồi phục nhưng sức khỏe không còn như trước. Tuy sức khỏe yếu nhưng với đức tính chịu thương, chịu khó, chị đã từng ngày cần mẫn trồng những luống rau xanh, sạch để bán ở chợ, tạo nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

Chị Phạm Thị Nghiệp chăm sóc vườn rau.
Chị Phạm Thị Nghiệp chăm sóc vườn rau.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Cam Ranh có hơn 1.000 phụ nữ khuyết tật, trong đó có hàng trăm chị tích cực làm kinh tế với nhiều công việc khác nhau, như: Làm chổi, đan móc, làm nhang, hạt sen, buôn bán... Năm 2022, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã vận động trao tặng phương tiện sinh kế, phương tiện sản xuất cho 31 hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật với tổng số tiền gần 80 triệu đồng; tạo điều kiện để các hội viên được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ đến nay hơn 227 tỷ đồng; duy trì tổ phụ nữ xoay vòng, tiết kiệm giúp nhau không lấy lãi với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng… Bà Lê Thị Anh Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho biết: “Chăm lo cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật là một trong những công tác trọng tâm của hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã chỉ đạo các cấp hội trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động cụ thể, như: Trao phương tiện sinh kế, hỗ trợ vốn từ quỹ hội và giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo việc làm; tổ chức ngày hội khởi nghiệp… Có nhiều hội viên, phụ nữ đã nỗ lực, không ngừng học hỏi, tự tạo cho mình những việc làm phù hợp với sức khỏe và thể lực, từ đó có được nguồn thu nhập ổn định, làm chủ cuộc sống…”.

LÊ NGÂN