Là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết:
Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh |
- Hiện nay, Hội LHPN tỉnh có 14 hội cấp huyện và tương đương; 171 hội cơ sở và tương đương với hơn 261.000 hội viên. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, công tác tham mưu của Hội LHPN các cấp, sự phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ nữ, công tác phụ nữ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng đạt được nhiều kết quả phấn khởi. Đặc biệt, việc quy hoạch, bố trí cán bộ nữ ở những vị trí lãnh đạo chủ chốt của các cấp, ngành được ưu tiên, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chiếm 14,58% (nhiều hơn 10,73% so với đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020); ở cấp huyện đạt 19% (trong đó có 2 nữ phó bí thư); cấp xã đạt 30% (có 28 nữ bí thư, 44 nữ phó bí thư). Cán bộ nữ là đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 chiếm 20%; cấp huyện đạt 24,14%; cấp xã đạt 30,42%. Cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 18,94%, trong đó cán bộ nữ giữ chức vụ cấp trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chiếm 17,91%.
- Được biết, ngày 20-1-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 21 về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; ngày 29-3-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 14 về nội dung này. Qua 5 năm thực hiện, 2 chỉ thị này đã có những tác động như thế nào đối với các hoạt động của hội, thưa bà?
- Việc triển khai 2 chỉ thị nêu trên không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội mà còn củng cố niềm tin của phụ nữ vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực vào việc xây dựng Đảng, chính quyền địa phương ngày càng trong sạch, vững mạnh. Với vai trò, nhiệm vụ được giao, Hội LHPN các cấp đã xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều đề án, mô hình, hoạt động, trong đó nổi bật là các mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Hàng năm, các cấp hội đã tín chấp nguồn vốn với các ngân hàng gần 2.400 tỷ đồng cho 174.000 lượt hộ phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình; phối hợp với các ngành, cơ sở dạy nghề tư vấn, dạy nghề cho 29.340 phụ nữ và giới thiệu, tạo việc làm cho 31.870 phụ nữ. Đồng thời, vận động xã hội hóa xây dựng và bàn giao 290 nhà “Mái ấm tình thương”, sửa chữa 225 nhà cho phụ nữ nghèo, khuyết tật, đơn thân, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá 21,7 tỷ đồng. Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đã hỗ trợ cho hơn 400 hội viên vay vốn khởi nghiệp với số tiền gần 160 tỷ đồng.
Song song đó, các cấp hội đã tổ chức 3.120 buổi tuyên truyền, ra quân dọn vệ sinh môi trường; xử lý hơn 295 tấn rác thải; phát quang hơn 74.000km bụi rậm tại các trục đường giao thông, xung quanh nhà, khu dân cư; trồng và chăm sóc hơn 40.000 cây xanh các loại; thành lập mới 150 mô hình “Ngôi nhà xanh”, “Thu gom và phân loại rác thải nhựa”, “2S vì môi trường ”...
Đông đảo chị em phụ nữ tham gia diễu hành tại lễ hội áo dài. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG |
- Thời gian qua, hội đã có những hoạt động gì để hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thưa bà?
- Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu hướng tới trong các chương trình, hoạt động của hội. 5 năm qua, các cấp hội tập trung tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ; tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam. Đồng thời, tổ chức 432 lớp tập huấn, buổi truyền thông về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại phụ nữ và trẻ em; phòng, chống đuối nước, bạo lực học đường... cho hơn 234.300 lượt người. Cùng với đó, nhân rộng và phát huy hiệu quả 480 "Địa chỉ tin cậy" tại cộng đồng; 147 câu lạc bộ "Xây dựng gia đình hạnh phúc”, "Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, "Phòng, chống bạo lực gia đình”... Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của hội viên, phụ nữ, cộng đồng góp phần xây dựng môi trường sống an toàn và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
- Xin bà cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ có giải pháp gì để giúp các hội viên nói riêng và phụ nữ trong tỉnh nói chung khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội?
- Hội sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về ý nghĩa, mục đích của Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 14 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tham mưu thực hiện hiệu quả luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, nhất là chính sách hỗ trợ phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, phụ nữ dân tộc thiểu số; tăng cường giám sát việc giải quyết đơn thư và các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em; rà soát nắm vững tình hình cán bộ nữ, cán bộ hội để tham mưu cho cấp ủy trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm…
THẢO LY (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin