18:33, 09/10/2023

Khó khăn trong triển khai bệnh án điện tử

C.ĐAN

Theo Thông tư số 46/2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử, giai đoạn 2019 - 2023, các bệnh viện (BV) hạng 1 phải triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy, giai đoạn 2024 - 2030 sẽ triển khai ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh còn lại. Tuy nhiên, việc triển khai Thông tư số 46 tại các BV trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.

Vẫn sử dụng bệnh án giấy

Tại Khoa Khám, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, người dân tới khám bệnh có thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử hoặc căn cước công dân để thay thế. Đơn thuốc được in bằng máy, không phải viết tay như trước. Khi bệnh nhân có chỉ định xét nghiệm máu, sinh hóa, kết quả xét nghiệm được cập nhật ngay trên phần mềm để các bác sĩ ở phòng khám có thể xem và in ngay ra cho bệnh nhân. Khoa cũng triển khai thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt…

Bệnh  viện  Đa  khoa  tỉnh  vẫn  sử  dụng  bệnh  án  giấy  trong  khám chữa bệnh
Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn sử dụng bệnh án giấy trong khám, chữa bệnh. 

Tuy nhiên, các hoạt động trên của Khoa Khám chỉ mới dừng ở mức ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh, là một phần nhỏ trong thực hiện bệnh án điện tử. Bà Lưu Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Khám, BVĐK tỉnh cho biết, nếu triển khai được bệnh án điện tử có rất nhiều lợi ích. Ở góc độ người bệnh, bệnh án điện tử giúp bệnh nhân không bắt buộc phải lưu trữ hay mang theo tất cả các loại giấy tờ khi đi khám bệnh, tái khám. Với bác sĩ, bệnh án điện tử giúp lưu trữ thông tin bệnh nhân một cách chi tiết, có hệ thống, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình của bệnh nhân, đưa ra kết quả chẩn đoán và phương thức điều trị chính xác, hạn chế việc chỉ định các xét nghiệm không cần thiết. Theo lộ trình, đến cuối năm nay, BVĐK tỉnh phải thực hiện bệnh án điện tử. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên đến nay, tất cả các khoa của BV, trong đó có Khoa Khám vẫn sử dụng bệnh án bằng giấy.

Tại các BV hạng 2 và 3 như: BVĐK khu vực Cam Ranh, BVĐK khu vực Ninh Hòa, BVĐK Yersin Nha Trang, BV Ung bướu…, theo lộ trình phải thực hiện từ năm 2024. Trong khi chờ tìm mua phần mềm đáp ứng được các yêu cầu triển khai bệnh án điện tử, trước mắt, các BV vẫn thực hiện bệnh án bằng giấy và ứng dụng một số phần mềm trong khám, chữa bệnh để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh và nâng cao chất lượng điều trị.

Thiếu kinh phí, cơ sở hạ tầng

Bệnh án điện tử là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy. Trước đây, trong hệ thống thông tin y tế, công tác lưu trữ thông tin về bệnh nhân từ thời điểm làm thủ tục nhập viện đến khi xuất viện đều phải thực hiện trên giấy tờ, sổ sách. Việc này gây ra nhiều bất cập, lượng thông tin lưu trữ quá lớn, tìm kiếm khó khăn, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin giữa các khoa trong BV hoặc giữa các BV với nhau còn hạn chế. Với bệnh án điện tử, chỉ cần một chiếc máy tính với phần mềm được cài đặt sẵn có thể lưu trữ nguồn dữ liệu khổng lồ thay cho kho lưu trữ giấy cồng kềnh trước đây. Qua đó, các cơ sở y tế sẽ dễ dàng quản lý tình hình khám, chữa bệnh, tìm kiếm thông tin bệnh nhân hay tiền sử của những lần khám trước đó để thuận lợi khi điều trị… Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế vào tháng 8-2023, cả nước mới có 50 cơ sở y tế thực hiện bệnh án điện tử theo đúng quy định

Bệnh viện Đa khoa Diên Khánh ứng dụng một phần bệnh án điện tử trong khám, chữa bệnh. 

Từ năm 2018, BVĐK tỉnh đã xây dựng phần mềm quản lý BV, trong đó có một phần của bệnh án điện tử. Phần mềm của BV giúp các khoa, phòng có thể đọc được kết quả phim X-Quang, CT, cộng hưởng từ, xét nghiệm sinh hóa… qua nền tảng Internet. Tuy nhiên, phần mềm này chỉ thực hiện lưu trữ dữ liệu của bệnh nhân và hình ảnh cận lâm sàng, không lưu giữ được toàn bộ thông tin bệnh nhân.

Bộ Y tế đang dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 46. Trong đó, quy định đến ngày 31-12-2025, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị.

Theo bác sĩ Phan Hữu Chính - Giám đốc BVĐK tỉnh, bệnh án điện tử là giải pháp cần phải thực hiện trong thời đại kỹ thuật số. Tuy nhiên, việc triển khai ở các BV trong cả nước nói chung, BVĐK tỉnh nói riêng gặp nhiều khó khăn và chưa thực hiện được. Có nhiều nguyên nhân, trước hết, Thông tư số 46 đưa ra lộ trình nhưng không đưa giải pháp để triển khai. Đến nay, các cơ sở y tế chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể dành nguồn kinh phí nào để thực hiện bệnh án điện tử. Giá dịch vụ y tế hiện nay vẫn chưa tính chi phí về công nghệ thông tin, trong khi giá thành để xây dựng và duy trì phần mềm bệnh án điện tử rất cao, các BV thực hiện tự thu, tự chi nên khó khăn trong thực hiện. Cùng với đó, Bộ Y tế chưa có phần mềm quản lý BV thống nhất cho toàn ngành, để các đơn vị có thể dựa trên đó thực hiện bệnh án điện tử. Chưa kể, tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra về bệnh án điện tử quá cao so với mặt bằng chung ở các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay. Mỗi năm, BV quản lý bệnh nhân nội trú, ngoại trú hơn 100.000 hồ sơ bệnh án. Hồ sơ bệnh án phải lưu trữ 20 năm nên hiện tại, chỗ để cất hồ sơ bệnh án đã quá tải. BV đã mời các chuyên gia công nghệ đến để xây dựng phần mềm bệnh án điện tử, nhưng các phần mềm chào hàng chưa thỏa mãn đủ các yêu cầu, giá thành cao nên đến nay BV vẫn chưa thực hiện được. 

Các BV hạng 2, hạng 3 ở tỉnh cũng đang tìm các công ty công nghệ thông tin để đặt mua phần mềm bệnh án điện tử trong nguồn kinh phí cho phép. Một số BV đã triển khai nối mạng máy tính nội bộ trong việc khám, chữa bệnh, kết nối với cổng thanh toán bảo hiểm y tế... Thế nhưng, để triển khai bệnh án điện tử chưa thể làm được do còn thiếu về cơ sở hạ tầng, con người và kinh phí.

Theo lãnh đạo các BV, cơ quan quản lý nên có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng nguồn kinh phí nào để triển khai bệnh án điện tử. Bộ Y tế nên có phần mềm quản lý BV thống nhất, trong đó có bệnh án điện tử để các BV cùng thực hiện. 

C.ĐAN