Nhờ có tình yêu thương, chia sẻ của người thân, cộng đồng, nhất là sự thấu hiểu, đồng hành của các cán bộ y tế đã tiếp thêm nghị lực cho những người có "H" vượt qua mặc cảm, kiên trì điều trị.
Cán bộ y tế Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất chuẩn bị thuốc ARV cho bệnh nhân. |
Giúp ổn định tâm lý
Sáng sớm, anh N.V.T (35 tuổi) bước vào Cơ sở điều trị Methadone thị xã Ninh Hòa (Cơ sở 2 Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa), lặng lẽ ngồi xuống ghế, ánh mắt đờ đẫn, vô hồn. Chị gái của T. theo sau nhìn em, rồi lại nhìn về phía nhân viên y tế. Đã có kinh nghiệm, cử nhân y tế công cộng Hồ Minh My - Phó Trưởng cơ sở điềm tĩnh lật cuốn sổ. Lập tức, anh T. chủ động nói chuyện:
Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại TP. Nha Trang. |
- ...Em coi trên mạng thấy bệnh này lở loét, bị kỳ thị. Em sợ lây, sợ mang tiếng xấu cho gia đình...
- Anh nhìn xem, chị gái đến cùng anh, cha mẹ ở nhà cầu mong anh đồng ý điều trị, đâu có người thân nào rời bỏ anh, sao anh tự kỳ thị!
- Dạ, vậy chị tư vấn cho em!
Nghe đến đây, chị gái anh T. bật khóc, rối rít cảm ơn chị My.
3 ngày trước, anh T. về nhà, đóng cửa phòng, không ăn. Người nhà kêu nhiều lần, anh gào lên: "Để tôi yên! Tôi sắp chết rồi!". Cả nhà hốt hoảng xông vào, thấy anh ngồi thất thần, trân trân nhìn tờ kết quả xét nghiệm HIV. Mấy ngày liền, cả nhà chia nhau canh chừng và năn nỉ anh đi tư vấn, điều trị, nhưng anh T. vẫn ngồi đơ như khúc củi, thi thoảng khóc rưng rức. Cha mẹ tìm đủ mọi cách anh mới chịu đi tư vấn, điều trị.
Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - CDC Khánh Hòa) từng tiếp cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi dương tính với HIV. Cả hai đay nghiến nhau trong tuyệt vọng. Người vợ vừa khóc vừa truy hỏi dồn dập chồng về nguyên nhân lây nhiễm; người chồng vò đầu bứt tóc khẳng định "không bậy bạ"... Bác sĩ Nguyễn Diệp Huệ Nhân - bác sĩ Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất cho biết, có người cầm tờ kết quả xét nghiệm khóc như mưa, chỉ đòi chết. Cũng có cha mẹ không biết mình bị nhiễm, để lây sang con, phải cho uống thuốc kháng vi rút (ARV) từ khi lọt lòng nhưng lại giấu con, nói là uống "thuốc bổ". Lớn lên, cháu bé thấy mình khỏe mạnh như các bạn nên cho rằng chẳng cần "thuốc bổ" và tự ý bỏ thuốc. Đến khi con suy sụp, phải điều trị kháng thuốc, cả nhà đều khóc...
Cử nhân My cho biết, càng lớn tuổi, bệnh nhân càng mặc cảm về bệnh lý, suy nghĩ tiêu cực, nhất là những người đang có việc làm ổn định, sự nghiệp thăng tiến. Có người còn đề nghị mua thuốc ngoài, không nhận thuốc bảo hiểm y tế vì sợ bị lộ thông tin.
Thấu hiểu để hỗ trợ, điều trị
Hiện nay, nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao là người nghiện ma túy, mua bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Người có "H" phải được điều trị bằng thuốc ARV để kiểm soát lượng vi rút ở mức thấp, giúp người bệnh sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Nhưng vì còn sự kỳ thị nên người có "H" vẫn còn né tránh. Do đó, để tiếp cận, tìm hiểu đường lây truyền HIV của họ không dễ; giúp họ điều trị đều đặn còn khó gấp bội. Vì vậy, các cán bộ y tế không chỉ khám, tư vấn, kê đơn, mà còn trở thành bạn tâm giao, quan tâm tới đời sống từng bệnh nhân, giữ kín thông tin, chia sẻ của họ, giúp họ ổn định tâm lý, duy trì điều trị. Bác sĩ Nhân thường ngồi hàng buổi, kiên nhẫn nghe bệnh nhân than thân trách phận, khóc lóc, rồi mới dần dần động viên, tư vấn từ cách ứng xử, đời sống đến bệnh lý.
Phát thuốc Methadone cho bệnh nhân tại Cơ sở điều trị Methadone thị xã Ninh Hòa. |
Tiếp xúc, quản lý 5 trẻ bị nhiễm HIV trong 8 năm làm việc, để giúp trẻ tránh sốc tâm lý và phòng tránh cho người thân, cộng đồng, ông Nguyễn Tiến Phú - cán bộ y tế Phòng Tư vấn, điều trị HIV (Cơ sở điều trị Methadone thị xã Ninh Hòa) từng rất vất vả khuyên các gia đình cho con biết sự thật khi các cháu nhận thức được. Anh quen mặt gần hết các trường hợp nhiễm HIV và nguy cơ cao trên địa bàn. "Nhờ luôn gần gũi nên mọi trường hợp phòng quản lý đều không bị mất dấu bệnh nhân. Mỗi ca nguy cơ cao, từng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho kết quả xét nghiệm âm tính đều khiến chúng tôi rất vui. Bởi điều đó có nghĩa là bệnh nhân đã tuân thủ hướng dẫn dự phòng lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho họ và cho cả cộng đồng” - ông Phú nói.
Chuẩn bị thuốc ARV cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa. |
Cử nhân My gắn bó với nghề được 16 năm, nhiều lần cảm nhận sự hoang mang, tuyệt vọng của bệnh nhân khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính; sự cô đơn của họ khi bị lộ danh tính; sự tuyệt vọng khi biết bệnh quá muộn. Bà thuộc lòng 206 hồ sơ đang quản lý, từ tình trạng bệnh đến hoàn cảnh riêng. Có người cùng quẫn vì phát hiện dương tính sau khi người chồng nghiện ma túy chết; có người bất ngờ bị công ty sa thải sau khi lỡ miệng tâm sự với đồng nghiệp… Nhiều bệnh nhân chuyển đi nơi khác vẫn gọi điện thoại chia sẻ với bà. Mắt ánh lên niềm vui, bà My kể, mới đây, bà thông báo tải lượng vi rút trong người anh T. dưới ngưỡng phát hiện (mức không lây truyền bệnh), có thể lấy vợ, sinh con, anh T. đã bật khóc vì hạnh phúc. Nhiều bệnh nhân tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị đã lập gia đình, có con khỏe mạnh, như anh N.T.T, chị T.T.H.H, chị T.T.Q… Bà My vui vẻ thông tin thêm, từ ngày 1-10, Cơ sở điều trị Methadone thị xã Ninh Hòa còn được triển khai xét nghiệm khẳng định HIV, cho kết quả trong ngày, không phải chờ vài ngày để có kết quả xét nghiệm khẳng định của Viện Pasteur Nha Trang hoặc CDC Khánh Hòa, tránh mất dấu bệnh nhân.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách CDC Khánh Hòa, số người nhiễm HIV đang ngày càng trẻ hóa và có xu hướng dịch chuyển từ nhóm bán dâm, tiêm chích ma túy… sang nhóm MSM. Hiện nay, nhóm MSM nhiễm HIV chiếm gần 50% số ca mắc. Ngành Y tế đã phối hợp triển khai rất nhiều biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, tập trung vào nhóm MSM, như: Vận động hệ thống đồng đẳng viên tiếp cận nhóm MSM để trang bị kiến thức phòng, chống lây nhiễm HIV cho họ; tư vấn online theo hướng cởi mở, thân thiện để giúp nhóm MSM quan hệ tình dục an toàn; đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh chương trình PrEP cho nhóm có nguy cơ cao, nhất là nhóm MSM.
Bác sĩ TÔN THẤT TOÀN - Phó Giám đốc phụ trách CDC Khánh Hòa: Đa số bệnh nhân nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn, bất ổn trong công việc do tinh thần, sức khỏe, thể lực kém. Do đó, việc điều trị cho họ không dễ dàng, đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại, tâm huyết và giàu tình yêu thương. Cán bộ y tế không chỉ tư vấn xét nghiệm và điều trị bằng thuốc ARV cho bệnh nhân, mà còn phải biết lắng nghe, đồng cảm để giúp họ ổn định tâm lý, không bỏ điều trị, cải thiện sức khỏe, tìm lại được cuộc sống của chính họ.
6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh phát hiện mới 67 ca dương tính với HIV, tăng 8 ca so với cùng kỳ năm 2022. Các cơ sở y tế đã tư vấn, xét nghiệm HIV cho 21.000 lượt người; điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone cho 1.330 lượt người; điều trị PrEP cho 275 người. Số người nhiễm HIV còn sống và được quản lý tại địa phương là 1.517 người; trong đó 1.274 người được điều trị bằng thuốc ARV có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 94,5%. 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền cho con. Các cơ sở y tế đã hoàn thành ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.
NGUYỄN VŨ - BÁ NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin