19:29, 26/10/2023

Hãy nói không với thuốc lá

ĐẶNG HỒNG HOA

Tác hại của khói thuốc lá đến sức khỏe con người rất nghiêm trọng. Do vậy, mỗi người hãy tự nói không với thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL). Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá; đưa vào tiêu chí để đánh giá cơ quan văn hóa; đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về tác hại của việc hút thuốc lá. Đồng thời, phổ biến các văn bản liên quan, kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế liên quan đến PCTHCTL.

Thông điệp hãy nói không với thuốc lá tại Hội thi sáng kiến truyền thông "Gia đình có sức khỏe - không khói thuốc".

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong khói thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất, khi người hít, hút khói thuốc lá, các chất hóa học sẽ tác động lên tế bào cơ thể, không trừ một bộ phận nào. Trong khói thuốc lá có một số chất gây nghiện, trong đó chất nicotine khiến cho người sử dụng thuốc lá trở nên lệ thuộc vào nó. Phổi là bộ phận của cơ thể được bảo vệ bởi hệ thống miễn dịch chung và cơ chế tự bảo vệ tại phổi. Ở người nghiện thuốc lá, có hai bệnh hay gặp có liên quan đến thuốc lá là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là hai bệnh trong nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới.

Phổi tự bảo vệ bằng các phản xạ ho, khạc và qua hệ thống biểu mô niêm mạc của phổi gồm lông chuyển và các tuyến tiết nhầy phế quản. Các hệ thống biểu mô này làm ẩm đường hô hấp giúp bảo vệ phổi. Cơ chế tiết nhầy làm ẩm đường thở sẽ giúp cố định các hạt bụi, các tác nhân vi khuẩn, vi rút từ không khí hít vào và sẽ được tống ra ngoài nhờ động tác ho, khạc. Khi một người hút thuốc lá, khói thuốc lá sẽ tác động vào niêm mạc đường thở, các phế nang. Các chất độc hại trong khói thuốc lá sẽ làm hệ thống lông chuyển bị tổn thương, làm tăng sinh tiết nhầy gây viêm dày vách phế nang mạn tính, tổn thương các tế bào bạch cầu tại phổi, dẫn đến rối loạn hệ thống tự bảo vệ và trao đổi khí của phổi. Đây là nguyên nhân làm cho những người hút thuốc lá mắc các bệnh lý hô hấp. Các chất độc hại trong khói thuốc lá như: Carbonmonoxide, hydrogen cyanide sẽ phá hủy biểu mô phế quản gây rối loạn vận động các lông chuyển làm tăng tiết dịch nhầy, kích thích các tế bào bạch cầu giải phóng các men làm tiêu protein gây viêm mạn tính phế quản phổi.

Theo bác sĩ Toàn, dưới kính hiển vi điện tử, hệ thống lông chuyển của người hút thuốc lá bị đứt, gãy, vận động không đồng bộ, bị xoắn vặn; hình ảnh giống như một thảm lúa bị gió xoáy lốc, mất sự chuyển động nhịp nhàng. Các tế bào tiết nhầy phế quản biến đổi, sản sinh ra nhiều đờm nhưng khó khạc ra ngoài. Các tổn thương làm cho thành phế quản dày lên, lòng phế quản hẹp lại, đây là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bệnh lý có thể xảy ra cho bộ máy hô hấp. Các thống kê cho thấy, những người hút thuốc lá mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 15 - 30 lần so với người không hút thuốc lá. Người hút trung bình 50 điếu thuốc lá mỗi ngày sẽ có 1 đột biến gen DNA ở mỗi tế bào phổi. Người hút 20 điếu mỗi ngày, hút trong 1 năm sẽ tạo ra 150 đột biến gen ở mỗi tế bào phổi. Các đột biến gen này là nguy cơ gây ra bệnh ung thư phổi.

Đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 3,2 triệu người tử vong, chiếm khoảng 5% tổng số ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Tại Việt Nam, có khoảng 7,1% ở nam và 1,9% ở nữ từ 40 tuổi trở lên mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Biểu hiện của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là ho khạc kéo dài, khó thở tăng dần, bệnh nhân thấy nặng ngực, thở ra khó khăn, tổn thương ở các phế nang phổi không hồi phục. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không chỉ ảnh hưởng ở phổi mà còn làm cho các cơ quan trong cơ thể bị thiếu ôxy mạn tính có thể dẫn đến suy hô hấp mạn tính, suy tim và tử vong.

ĐẶNG HỒNG HOA

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)