18:56, 29/10/2023

Đôn đốc thu hồi nợ thuế

C. VÂN

Ngay từ đầu năm, ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường thu hồi nợ thuế vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, nợ thuế vẫn còn cao, ngành Thuế gặp nhiều khó khăn trong thu hồi nợ thuế.

Nợ thuế tăng 

Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp (DN) nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước. Ban Chỉ đạo thu hồi nợ thuế các địa phương đã chỉ đạo các phòng, ban, lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, hỗ trợ chi cục thuế thu hồi nợ đọng. Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, Sở Kế hoạch và Đầu tư tích cực phối hợp đề nghị cơ quan thuế cung cấp thông tin nợ thuế để đôn đốc trước khi giải quyết các thủ tục về đăng ký dự án hoạt động (cấp mới, điều chỉnh). Cục Thuế tỉnh cũng công khai thông tin nợ thuế của các DN, hộ kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử ngành để các sở, ngành và các địa phương tra cứu, phối hợp đôn đốc thu nợ khi giải quyết các công việc liên quan; phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc trích tài khoản của DN nợ thuế… Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, lũy kế đến ngày 30-9, ngành Thuế tỉnh thu được 2.791 tỷ đồng nợ thuế, trong đó thu từ biện pháp quản lý nợ 2.740 tỷ đồng, cưỡng chế nợ 51 tỷ đồng.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh hướng dẫn thủ tục cho người nộp thuế.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh hướng dẫn thủ tục cho người nộp thuế.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình nợ thuế trên địa bàn tỉnh tăng cao. Tính đến ngày 30-9, tổng số nợ thuế là 1.310 tỷ đồng, tăng 3,5% so với thời điểm 31-12-2022 và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, tỷ lệ tổng số nợ trên tổng số dự toán thu của năm 2023 là 9,6%, cao hơn 1,6% so với chỉ tiêu giao. Trong tổng số nợ nêu trên, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: Bất động sản 317 tỷ đồng, chiếm 24,2%; xây dựng 199 tỷ đồng, chiếm 15,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 195 tỷ đồng, chiếm 14,9%; công nghiệp khai khoáng 127 tỷ đồng, chiếm 9,7%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm 127 tỷ đồng, chiếm 9,7%.

Theo bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh, thời gian qua, tuy ngành Thuế đã áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế nhưng việc thu hồi nợ còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân đó là sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế gặp khó khăn, giá xăng dầu tăng... đã ảnh hưởng đến hầu hết lĩnh vực, ngành kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Việc thực hiện một số biện pháp cưỡng chế theo quy định hiệu quả thấp do người nộp thuế không có tiền trong tài khoản ngân hàng, không có thông tin tài sản bên thứ 3 nắm giữ nên khó thu hồi nợ thuế thông qua biện pháp cưỡng chế tài khoản... Ngoài ra, đa số người sử dụng đất được làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Dự án VLAP trước đây nhưng người dân không thực hiện nghĩa vụ tài chính để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng không làm thủ tục rút lại hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đã nộp nên cơ quan thuế vẫn phải theo dõi số nợ này...

Nỗ lực kéo giảm

Để kéo giảm nợ thuế, vừa qua, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, thu hồi tiền thuế nợ, không để dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh. Theo đó, Cục Thuế tỉnh tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo đôn đốc thu nợ thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh. Đặc biệt, ngành phối hợp với các sở, ngành giải quyết kịp thời, đúng quy định các chính sách gia hạn, miễn giảm, tạo điều kiện cho người nộp thuế duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, có khả năng thanh toán nợ thuế; bám sát các trường hợp phát sinh nghĩa vụ thuế, đôn đốc thu hồi ngay, không để kéo dài trở thành nợ.

Hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống
Hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống.

Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các chi cục, phòng chuyên môn đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật và thực hiện thủ tục tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của DN bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn; nắm bắt nguyên nhân các trường hợp nợ thuế có khó khăn, vướng mắc để phối hợp với các ngành liên quan xử lý kịp thời, làm cơ sở đôn đốc thu hồi nợ thuế. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ kết quả thi hành các quyết định cưỡng chế, trường hợp cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp số tiền thuế nợ bị cưỡng chế, phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định. Đối với các DN nợ các khoản thu liên quan đến đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Cục Thuế tỉnh đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi đất, giấy phép khai thác khoáng sản đối với các DN có số nợ lớn. Cục Thuế tỉnh cũng chỉ đạo các chi cục, bộ phận chuyên môn thực hiện phân loại các khoản nợ thuế chính xác, theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp; đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp nợ thuế dây dưa kéo dài theo quy định của Luật Quản lý thuế và cung cấp thông tin người nộp thuế nợ theo Quy chế phối hợp của Ban Chỉ đạo thu hồi nợ thuế tỉnh... Cùng với đó, tiếp tục triển khai điện tử hóa, số hóa trong áp dụng quản lý công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế nhằm thông báo tiền thuế nợ, việc ngừng sử dụng hóa đơn, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế… nhanh chóng, kịp thời cho người nộp thuế.

C. VÂN